Kết quả cuộc khai quật có nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần minh chứng rõ hơn, sâu hơn và toàn diện hơn về các di tích của thời Lê; có thêm tư liệu để khẳng định khu vực chính tâm của Hoàng thành Thăng Long có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm không hề đứt đoạn, từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê.

Theo đánh giá của PGS,TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, kết quả khai quật đã phát hiện có rất nhiều hiện vật giá trị, phản ánh được chiều sâu lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, có niên đại kéo dài từ thời Tiền Thăng Long qua Lý, Trần , Lê sơ đến Lê Trung Hưng, Nguyễn.

Chân tảng đá có lỗ tròn trang trí hoa sen thời Lý.


Gạch thời Lê Trung Hưng.

Dấu tích cống nước thời Đại La.

Khoảng thế kỷ 8-9, ở khu vực này có dấu tích kiến trúc thời Đại La (tiền Thăng Long) mà dấu tích chứng minh rất rõ là cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng Bắc Nam. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy di vật gồm gạch, ngói của các giai đoạn thế kỷ thứ 3-9 và thời Đinh Tiền Lê. Về thời Lý, phát hiện di vật tượng rồng đất nung kích thước rất lớn cho thấy có thể có kiến trúc có quy mô lớn, quan trọng thời Lý ở đây…

Hoàng thành Thăng Long nói riêng và Kinh thành Thăng Long nói chung là một khu di tích rộng lớn, phong phú, việc nhận diện kiến trúc của Hoàng Thành không thể một sớm một chiều mà phải trường kỳ, tỉ mỉ và từng bước. Các kết quả của cuộc khai quật đã phát hiện nhiều di tích mới, góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo khu chính điện Kính Thiên, qua đó tiếp tục làm tăng thêm giá trị của di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN