Hội thảo do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức, có sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý, các thành phố mong muốn tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); các chuyên gia trong nước và quốc tế và đông đảo nghệ sĩ, người hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Các diễn giả tại phiên thảo luận về cơ hội, thách thức cho ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số. 

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, bảo đảm sự tiếp cận cho tất cả mọi người. Mặt khác, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đền quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu, người thực hành văn hóa, nghệ thuật… trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số, phân tích các cơ hội, thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay.

Trong khuôn khổ hội thảo có 2 phiên thảo luận: Cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số và Chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam.

Ông Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng Luật Phan law Việt Nam nêu thực tế: Chẳng hạn một trận bóng đá 90 phút thôi chúng ta có tới khoảng 500 hành vi xâm phạm, với lượt view khoảng 9 triệu, nếu chỉ tính 1 USD/1 lượt xem thì chúng ta mất khoảng 200 tỷ đồng một đêm rồi. Mà trận bóng chiếu đêm thì nhà quản lý không xử lý kịp. Số tiền đó, người xâm phạm không thu được về nhưng gây thiệt hại nặng nề cho nơi có bản quyền. Không phải pháp luật chúng ta yếu, thậm chí có những điều khoản rất tiến bộ so với thế giới mà do tư duy xâm phạm quá nhiều, kéo dài lâu, cách thức xử lý khó mà sự lắt léo của những người xâm phạm Việt Nam thì ở trình độ rất cao. Các nhà sản xuất Việt Nam để sống được trong bối cảnh đó rất khó khăn.

Bà Lê Quỳnh Như, đồng sáng lập DeeDee Animation Studio chia sẻ khó khăn với một doanh nghiệp khởi nghiệp về hoạt hình của Việt Nam khi bước chân ra thế giới. Bà Lê Quỳnh Như mong muốn cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ, đồng hành. Tâm lý doanh  nghiệp khi có vấn đề pháp lý là rất e ngại, đặc biệt khi ở nước ngoài chi phí khởi kiện rất cao.

Tin, ảnh: THANH MAI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.