Phóng viên (PV): Thời gian gần đây, CNVH được nhắc đến như là một ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao. Bà suy nghĩ gì về vấn đề này?

TS Nguyễn Thị Kim Liên: Tôi có tham gia nghiên cứu về lĩnh vực này, thấy rằng CNVH đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của rất nhiều quốc gia trên thế giới. UNESCO quan niệm: CNVH là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi Luật Bản quyền và thể hiện dưới dạng các sản phẩm hay dịch vụ. Ở Việt Nam, thời gian gần đây, CNVH trở thành chủ đề được nhiều nhà khoa học, nghiên cứu quan tâm.

Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ đạt được 7% GDP từ CNVH. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Đảng ta đặt ra yêu cầu cụ thể, nhấn mạnh mối quan hệ giữa CNVH với sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam và việc tiếp thu, vận dụng có chọn lọc, sáng tạo những thành tựu, giá trị văn hóa của nhân loại...

leftcenterrightdel
Người dân và du khách tập trung tại Công viên Bến Bạch Đằng, Công trường Mê Linh xem bắn pháo hoa đêm 30-4-2023. Ảnh: XUÂN CƯỜNG 

PV: TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, được áp dụng cơ chế đặc thù với những chính sách vượt trội, đột phá để phát triển. CNVH chịu ảnh hưởng như thế nào, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Kim Liên: Cơ cấu của ngành CNVH bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó chúng ta cần ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa... Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Là đô thị đầu tàu của cả nước, TP Hồ Chí Minh hội tụ các tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển CNVH với những ngành mũi nhọn nêu trên. Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Xây dựng TP Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu... Phát triển CNVH, xây dựng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế...

Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CNVH ở TP Hồ Chí Minh đã được xác định cụ thể. Việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù chính là sự tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để thành phố phát huy tối đa lợi thế phát triển kinh tế, trong đó CNVH giữ vị thế hết sức quan trọng...

PV: Tiềm năng rất nhiều, lợi thế rất lớn, nhưng hiệu quả phát triển CNVH trên thực tế thì vẫn còn nhiều hạn chế, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Kim Liên: Đúng vậy. Chúng ta vẫn chưa khai thác và phát huy hết nguồn tài nguyên văn hóa để phát triển CNVH. Những giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc vẫn chưa thực sự lan tỏa đến với bạn bè thế giới. Các giá trị văn hóa phần nhiều vẫn còn ở dạng tiềm năng. Giá trị kinh tế trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa được khai thác triệt để, chưa xây dựng được thị trường văn hóa xứng tầm để cạnh tranh sòng phẳng với thế giới trong môi trường hội nhập.

PV: Dưới góc nhìn khoa học, bà có kiến nghị gì để khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển CNVH ở TP Hồ Chí Minh?

TS Nguyễn Thị Kim Liên: TP Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án “Chiến lược phát triển các ngành CNVH TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. Thành phố xác định mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, phấn đấu doanh thu các ngành CNVH đóng góp khoảng 5% GRDP, giai đoạn 2025-2030 là 6% và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội... Với tiềm năng và lợi thế của mình, thành phố hoàn toàn có thể đạt và vượt chỉ tiêu này nếu khai thác, phát huy tốt lợi thế của các ngành CNVH. Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo xung lực và môi trường thuận lợi để TP Hồ Chí Minh bứt phá. Để tận dụng cơ hội phát triển CNVH, các cấp, ngành cần nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của CNVH; triển khai có trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Cần có các kế hoạch đầu tư cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm CNVH, từ hình thức đến nội dung.

Bên cạnh đó, cần khai thác và phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các kênh ngoại giao văn hóa, truyền thông. Du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Tài nguyên văn hóa chính là nguồn lực để phát triển du lịch. Vì vậy, cần đầu tư đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu trong hoạt động của các lĩnh vực như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật... thực hiện chiến lược “đi tắt đón đầu” hợp lý, tạo bứt phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển CNVH...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HƯƠNG HÀ (thực hiện)