QĐND - Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nhà phê bình văn học, PGS, TS Đỗ Lai Thúy cho rằng, nghiên cứu văn học cổ thực ra đang có những cơ sở để có thể lạc quan. ông tin sự chung sức của các nhà nghiên cứu, trong tương lai việc nghiên cứu văn học cổ sẽ có nhiều thành tựu.
Phóng viên (PV): Tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, nền văn học cổ ở nước ta ảnh hưởng của văn học Trung Quốc. Nếu so sánh với văn học cổ của hai nước này, thành tựu văn học cổ Việt Nam có gì nổi bật không, thưa ông?
 |
PGS, TS Đỗ Lai Thúy. Ảnh: H.H
|
PGS, TS Đỗ Lai Thúy: Văn học cổ Việt Nam là văn học viết sử dụng chữ Hán, chữ Nôm, khởi phát từ thế kỷ X kết thúc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trước đây, có một số ý kiến cho rằng, văn học viết bằng chữ Hán không phải là một bộ phận của văn học dân tộc vì viết bằng chữ nước ngoài; nhưng họ quên mất các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã sử dụng chữ Hán nhuần nhuyễn, chuyển tải được tình cảm và tính cách dân tộc trong các tác phẩm, nên việc bài bác văn học cổ là không có cơ sở khoa học, là cực đoan.
Văn học cổ Việt Nam xét về thành tựu thì không hề kém cạnh văn học các nước đồng văn khác ở vùng Đông á; đặc biệt vào đầu thế kỷ XIX xuất hiện những kiệt tác như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương... rất độc đáo.
PV: Có thực tế không phủ nhận là người đọc, nhất là thế hệ trẻ thờ ơ với văn học cổ. Thậm chí, có nhiều học sinh còn nói thẳng là học văn học cổ để thi cho xong chứ chẳng có ích lợi gì. Tại sao văn học cổ lại bị ghẻ lạnh đến vậy, thưa ông?
PGS, TS Đỗ Lai Thúy: Tôi nghĩ không nên trách các bạn trẻ thờ ơ với văn học cổ. Văn học cổ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm nhưng hiện nay nước ta lại sử dụng chữ Quốc ngữ nên việc hiểu và yêu văn học cổ như thế hệ nhà Nho trước đây là điều bất khả. Vậy, con đường duy nhất để các bạn trẻ phần nào hiểu văn học cổ là thông qua trường học. Nhưng, ai cũng biết cách dạy và học văn ở nhà trường hiện nay quá nhiều bất cập nên đến ngay cả những tác phẩm văn chương viết bằng chữ Quốc ngữ còn chưa thu hút được học sinh, chứ đừng nói đến văn học chữ Hán, chữ Nôm.
PV: Vậy, chỉ con đường duy nhất là đổi mới cách dạy và học văn học cổ…?
PGS, TS Đỗ Lai Thúy: Đúng vậy! ở phần văn học Quốc ngữ có thể thêm bớt một số nội dung; chứ văn học cổ thay đổi nội dung không quá quan trọng bằng làm mới phương pháp dạy học.
Tôi để ý các giáo viên trong khi giảng dạy văn học cổ quá nhấn mạnh đến nội dung tác phẩm mà quên mất giảng giải mỹ học văn học cổ. Ngoài chuyện khác biệt về ngôn ngữ, văn học cổ thuộc một hệ hình (paradigme) khác hẳn văn học hiện đại. Chẳng hạn, văn học cổ trọng tả thần hơn tả thực nên hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân được Đại thi hào Nguyễn Du miêu tả lại bằng ngôn ngữ ước lệ: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang / Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da… Làn thu thủy, nét xuân sơn / Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Nếu giáo viên không làm rõ những sự khác biệt này, thật khó để học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của văn học cổ.
Việc giảng dạy văn học cổ được gọi là thành công chỉ nên hy vọng là các em học sinh biết đến dăm ba tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Quan trọng là để các em hiểu văn học cổ là một phần di sản văn học dân tộc, không xem thường hoặc xa lánh vì nghĩ đang học văn học nước ngoài chứ không phải của nước mình.
PV: Trong lĩnh vực nghiên cứu văn học cổ, tình hình đang diễn ra như thế nào?
PGS, TS Đỗ Lai Thúy: Nghiên cứu văn học cổ có nhiều mảng sáng hơn là mảng tối! Bên cạnh thế hệ nhà nghiên cứu cỡ 50-60 tuổi vẫn tiếp tục cống hiến, xuất hiện một số nhà nghiên cứu trẻ đầy triển vọng như: Phạm Văn ánh, Quách Hiền, Đinh Thanh Hiếu, Trần Quang Đức…; trong đó có người còn chưa đến tuổi 30. Cho nên, nếu phải so sánh, có khi việc nghiên cứu văn học cổ sẽ có nhiều thành tựu trong tương lai so với nghiên cứu, giới thiệu văn học nước ngoài. ưu điểm của thế hệ trẻ nghiên cứu văn học cổ là khả năng về nghiên cứu văn bản của họ hơn hẳn thế hệ trước nhờ am tường chữ Hán, chữ Nôm. Xin lưu ý rằng, việc nghiên cứu văn bản văn học cổ rất quan trọng, có nghiên cứu văn bản mới làm cơ sở cho những bước nghiên cứu khác.
PV: ông có nghĩ việc áp dụng một số phương pháp nghiên cứu văn học phương Tây sẽ góp phần lớn soi rọi những chiều kích khác của văn học cổ hay không?
PGS, TS Đỗ Lai Thúy: Tôi hoàn toàn tin tưởng với con đường nghiên cứu này. Từ năm 1985, với tác phẩm “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều”, GS Phan Ngọc đã sử dụng ngôn ngữ học cấu trúc nghiên cứu “Truyện Kiều” vượt xa các công trình nghiên cứu “Truyện Kiều” trước đó. Quan trọng là áp dụng lý thuyết vào đối tượng một cách hợp lý tìm ra cách đọc, cách hiểu mới cho hiện tượng văn học cổ vốn bị “đóng đinh” vào một cách hiểu quen thuộc; chứ không phải là quy trình ngược lại, rất dễ rơi vào tình cảnh hài hước “đẽo chân cho vừa giày”.
PV: Nếu cần sự trợ giúp từ Nhà nước trong nghiên cứu văn học cổ, theo ông nên hỗ trợ như thế nào?
PGS, TS Đỗ Lai Thúy: Từ trước tới nay, Nhà nước đã quan tâm đến nghiên cứu văn học cổ thông qua việc cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, đôi khi lại đầu tư không đúng vào những đề tài chung chung. Và có một thực tế nữa, là việc đưa các thành tựu nghiên cứu đến những đối tượng cần vẫn còn hạn chế.
Trước mắt, theo tôi, cần duy trì việc thỉnh giảng ở các trường đại học và cao đẳng. Chẳng hạn, một nhà nghiên cứu không phải là giảng viên và cũng chẳng có học hàm học vị gì nhưng ông ta có một thành tựu nghiên cứu văn học cổ mới thì nên đầu tư để ông ta trực tiếp giảng dạy một chuyên đề riêng trình bày nghiên cứu mới của mình trước sinh viên nhiều trường đại học. Số tiền đầu tư như vậy không lớn nhưng hiệu quả cao hơn so với việc đầu tư nghiên cứu một đề tài về văn học cổ rồi nghiệm thu là xong.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
HÀM ĐAN (thực hiện)