Hành trình sáng tạo từ trái tim người trẻ

Trong dòng chảy phát triển của công nghệ và truyền thông số, giới trẻ đang không ngừng sáng tạo những cách tiếp cận mới, khiến di sản văn hóa trở nên gần gũi và sống động hơn. Từ những hình ảnh tái hiện bối cảnh xưa cho đến những trải nghiệm thực tế, các di sản lịch sử văn hóa đang được kể lại bằng ngôn ngữ của thời đại, trở nên hấp dẫn và dễ tiếp nhận hơn.

Xuất phát từ nỗi trăn trở vì sao di sản trở nên xa lạ với giới trẻ, các bạn sinh viên năm thứ ba của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện dự án “Kinh đô kỳ họa”, nhằm giữ gìn và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Dự án đã và đang từng bước ghi dấu ấn trong cộng đồng với hình thức tiếp cận lịch sử độc đáo: Kể chuyện di sản thông qua mô hình lắp ráp.

Bộ sản phẩm “hộp mù” mô hình lắp ráp di sản “Long Thành Phục Kiến”. Ảnh: Ban tổ chức dự án cung cấp 

Bạn Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng Ban tổ chức dự án “Kinh đô kỳ họa” chia sẻ: “Là những sinh viên yêu thích văn hóa, lịch sử, chúng tôi tin rằng vấn đề không nằm ở bản thân di sản, mà ở cách chúng ta đang kể lại câu chuyện. Chính từ suy nghĩ đó, nhóm sinh viên mong muốn làm mới hình thức tiếp cận, đủ để chạm vào cảm xúc của người trẻ, giúp việc tìm hiểu di sản trở nên gần gũi và thú vị hơn”.

Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu và tuyên truyền về kiến trúc, văn hóa, nhóm sinh viên còn ra mắt “hộp mù” bộ mô hình lắp ráp mang tên “Long Thành Phục Kiến”. Đây là sản phẩm tái hiện 4 kiến trúc tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long: Cột cờ Hà Nội, Chính Bắc Môn, Lầu Công chúa (Hậu Lâu), Cổng Đoan Môn. Mỗi mô hình là một “mảnh ghép lịch sử” được thiết kế công phu, đi kèm mã QR để truy cập thông tin lịch sử chi tiết, tạo nên trải nghiệm học tập tương tác hiện đại.

Chia sẻ về lý do lựa chọn hình thức mô hình lắp ráp để kể lại câu chuyện di sản, Lan Anh cho biết, đây là một cách tiếp cận vừa trực quan, vừa mang tính tương tác rất cao. Thông qua mô hình lắp ráp, công chúng được “chạm” vào từng chi tiết kiến trúc và tự tay hoàn thiện một công trình mang dấu ấn lịch sử.

Sản phẩm “Long Thành Phục Kiến” là sự kết hợp độc đáo giữa trải nghiệm thực tế và công nghệ số. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ vậy, hình thức này còn mang lại yếu tố giải trí, dễ tiếp cận với giới trẻ hiện nay. “Hộp mù” mô hình lắp ráp mở ra không gian sáng tạo, khi cùng một sản phẩm, mỗi người có thể cảm nhận, ghi nhớ và kể lại câu chuyện di sản theo cách riêng của mình.

Điểm độc đáo của dự án còn nằm ở việc phát triển song song nền tảng số, trong đó, website trải nghiệm cho phép người dùng có thể tìm hiểu và tương tác xoay 360 độ với mô hình công trình 3D. Nhờ đó, việc khám phá di sản trở nên trực quan, sinh động và phù hợp với xu hướng tiếp nhận của giới trẻ trong thời đại số.

Là người thực hiện thiết kế các sản phẩm và website của dự án “Kinh đô kỳ họa”, bạn Nguyễn Như Quỳnh cho biết: “Khó khăn của nhóm là làm sao để chuyển hóa những công trình kiến trúc đồ sộ, nhiều chi tiết như Cột cờ Hà Nội hay cổng Đoan Môn thành mô hình lắp ráp nhỏ gọn mà vẫn giữ được tinh thần, bố cục và tính thẩm mỹ của di tích gốc. Mỗi mô hình đều được chỉnh sửa nhiều lần, từ bản phác thảo đến mô hình 3D, rồi in thử, lắp thử, gần như là một quá trình thử nghiệm liên tục”.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Để cân bằng giữa tính chính xác của lịch sử và sự sáng tạo hiện đại, nhóm sinh viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ tài liệu lịch sử, bản vẽ kiến trúc, hình ảnh thực tế và trao đổi với các chuyên gia từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Từ đó, các bạn trẻ chọn lọc những chi tiết cốt lõi mang tính nhận diện cao, có giá trị thẩm mỹ và kiến trúc tiêu biểu để giữ lại trong thiết kế.

“Chúng tôi luôn xác định sáng tạo không có nghĩa là thay đổi hay cắt xén lịch sử, mà là kể lại lịch sử bằng một ngôn ngữ mới, để di sản có thể sống tiếp trong đời sống hiện đại”, Trưởng Ban tổ chức dự án Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.

Đằng sau thành công của dự án “Kinh đô kỳ họa” là sự đồng hành chặt chẽ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, trở thành cầu nối giữa yếu tố lịch sử và tinh thần sáng tạo của người trẻ. Việc hợp tác giữa đơn vị quản lý di sản và nhóm sinh viên đã mở ra hướng đi mới cho công tác bảo tồn và giáo dục di sản.

Dự án không chỉ mang lại giá trị giáo dục mà còn góp phần đưa di sản văn hóa trở nên gần gũi hơn với giới trẻ. Ảnh: Ban tổ chức dự án cung cấp 

Bà Nguyễn Minh Thu, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động khi thấy những di sản lịch sử, văn hóa được thể hiện lại theo phong cách “xé túi mù” đang được giới trẻ yêu thích. Đây là một cách kể chuyện rất mới, gần gũi với người trẻ nhưng vẫn giữ đúng tinh thần cốt lõi của di sản”.

Theo bà Nguyễn Minh Thu, việc hợp tác với các bạn trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là hướng đi cần được mở rộng tại nhiều điểm di tích khác. Bởi lẽ, sự đồng hành này không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm mới, sáng tạo, mà còn giúp di sản thực hiện sứ mệnh trao truyền lịch sử, kết nối giá trị truyền thống với thế hệ trẻ.

PHƯƠNG UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.