Với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa của vùng đất giàu truyền thống, tác giả Nguyễn Nhật Duy (bút danh của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Nhất) giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Bắc Ninh-điểm hẹn” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2025).
 |
Bìa cuốn sách. |
“Bắc Ninh-điểm hẹn” là tuyển tập các bài nghiên cứu, tài liệu điền dã khảo cứu mà tác giả đã dày công thực hiện. Đây là những công trình ý nghĩa, có hàm lượng tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm tương đối cao. Cuốn sách góp phần xác thực, phản ánh và khẳng định những giá trị vật chất cũng như tinh thần đã được bảo lưu, trao truyền, tiếp nối và tỏa sáng ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, Bắc Ninh nay.
Thông qua cuốn sách, người đọc sẽ hiểu tại sao Bắc Ninh được khẳng định là một trong những trung tâm di sản văn hóa của cả nước. Chỉ cần nhắc đến những di tích xuất hiện trong cuốn sách, chúng ta có thể tưởng tượng được chiều sâu tiêu biểu cho lịch sử và văn hóa dân tộc đã kết tụ ở mảnh đất này. Đó là các di tích: Chùa Dâu, chùa Phật Tích, đền Đô, đình Diềm, đình Đình Bảng... Là người gắn bó với công tác bảo tồn, tác giả đã đưa ra những số liệu thống kê hết sức thuyết phục. Như khi nhắc tới số lượng di tích được xếp hạng tính đến năm 2024, tác giả cung cấp số liệu: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Nhà nước xếp hạng 677 di tích. Trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 206 di tích cấp quốc gia và 466 di tích cấp tỉnh”. Đây là minh chứng rõ ràng về sự đa dạng và phong phú của vùng đất di sản văn hóa đậm nét.
Trong cuốn sách, nhiều câu chuyện đặc biệt về công tác bảo tồn cũng được tác giả Nguyễn Nhật Duy tái hiện. Có thể kể đến như việc phát hiện tấm bia “xá lợi tháp minh” còn nguyên vẹn ở chùa Xuân Quan (Trí Quả, Thuận Thành), gần thành cổ Luy Lâu và chùa Bút Tháp, khắc vào năm 601, ghi rõ: “Long Biên huyện, Giao Châu xứ”, góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên trong lịch sử. Tấm bia này đã trở thành một trong những bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh. Hay câu chuyện về tấm bia cổ nhất Việt Nam khắc vào năm 314 được phát hiện ở khu vực nghè Thanh Hoài (Thanh Khương, Thuận Thành). Tấm bia là nguồn sử liệu quan trọng góp phần xác thực các nhân vật, địa danh, sự kiện lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ 4.
Cuốn sách cũng gợi mở cho người đọc nhiều tư liệu, câu chuyện hấp dẫn xung quanh những nhân vật lịch sử, dòng họ nổi tiếng của Bắc Ninh như: Thủy tổ Kinh Dương Vương, danh tướng Cao Lỗ, thân mẫu Vua Lý Công Uẩn, Thiền sư Lý Vạn Hạnh, dòng họ Nguyễn Thạc ở phường Đình Bảng và dòng họ Trần ở phường Hương Mạc (TP Từ Sơn)... Tiếp cận với những câu chuyện lịch sử, người đọc thêm ngưỡng vọng tài năng, đức hy sinh vì dân, vì nước của người xưa. Đó là danh tướng Cao Lỗ, người đã chế tác nỏ thần cho An Dương Vương, được nhân dân thôn Đại Trung (Cao Đức, Gia Bình) vẫn ngày đêm thờ phụng. Là cuốn gia phả dòng họ Trần ở Kim Thiều (phường Hương Mạc) cho biết rõ về lai lịch dòng họ với nhiều thế hệ túc nho, khoa bảng nổi tiếng, mang đến nhiều ân đức cho dân chúng trong vùng. Cuốn gia phả còn cho biết thông tin quý giá về bà Trần Thị Tần-thân mẫu của đại thi hào Nguyễn Du.
“Bắc Ninh-điểm hẹn” là một gợi ý thú vị cho bạn đọc để tiếp cận với vùng văn hóa cổ. Cuốn sách gấp lại nhưng mở ra những dư ba cảm xúc với người đọc về một vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc kết tinh kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú và đặc sắc.
NGUYÊN ĐỨC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.