Tình cảm ấy bắt đầu từ mùa xuân 1971 ở giữa rừng Trường Sơn, khi Lệ Ngải lần đầu đón Tết xa nhà. Đêm Giao thừa, ở hội trường dựng sâu trong núi, nhà thơ Phạm Tiến Duật cùng đoàn văn công được mời lên sân khấu. Ông đọc thơ, xen kẽ là những làn điệu quan họ, chèo do các nghệ sĩ thay phiên nhau trình diễn. Không khí sôi động kéo dài đến gần 1 giờ sáng. Đêm ấy, Lệ Ngải không chỉ hát mà còn ngâm thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Những ngày sau đó, không khí xuân lan tỏa khắp các đơn vị qua lời ca, tiếng chúc và tình đồng đội. NSƯT Lệ Ngải nhớ lại: “Khi ấy, anh Duật còn trẻ lắm. Anh ấy cười bảo tôi: “Bữa nào anh sẽ đến thăm các cô văn công Hà Bắc, anh kể cho các cô nghe nhiều chuyện lắm”. Tôi nghe xong, bật cười đáp rằng thế thì thích lắm”.

Chị hai quan họ Lệ Ngải thời trẻ tại Trường Sơn và hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau đêm Giao thừa, đoàn văn công chia nhau đi phục vụ các đơn vị. Một hôm, nhà thơ Phạm Tiến Duật bất ngờ ghé thăm, tay cầm một nắm lá méo (loại lá rừng hiếm, có vị chua nhẹ, thường dùng để nấu canh hoặc ăn sống). Lúc ấy, Lệ Ngải đang bị ốm, nghỉ ngơi tại đơn vị. “Lá này các cô văn công thích lắm. Ở đây không có đâu, nhưng anh để dành cho em”, nhà thơ Phạm Tiến Duật nói, rồi đưa cho Lệ Ngải. Cử chỉ ấy khiến “chị hai” quan họ Lệ Ngải không giấu được niềm vui. Thấy Lệ Ngải còn mệt, nhà thơ Phạm Tiến Duật rủ: “Em qua Ban Tuyên huấn chỗ bọn anh cho đỡ buồn. Đi cho khuây khỏa rồi sẽ nhanh khỏe lại đấy”. Dù đang sốt, Lệ Ngải vẫn đồng ý đi theo, phần vì muốn thay đổi không khí, phần vì không nỡ từ chối sự quan tâm giản dị mà ấm áp ấy.

Vượt quãng đường khoảng hai cây số cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật, Lệ Ngải đặt chân đến khu lán nhỏ nơi Ban Tuyên huấn Bộ tư lệnh đóng quân. Căn lán đơn sơ nhưng ấm cúng, với chiếc bàn ở giữa và hai chiếc giường hai bên, đã có đông đủ cán bộ, chiến sĩ ngồi chờ. Lệ Ngải vừa bước vào đã vui vẻ hỏi đùa: “Hôm nay các anh tập trung đông thế này là để chờ Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc đến hát phải không?”.

Dù đang sốt cao, Lệ Ngải vẫn cất tiếng hát theo lời động viên của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Anh em rất thích nghe giọng của em”. Không còn lý do gì để từ chối, cô gái trẻ hát liền một lúc 5 bài: Từ “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Xe chỉ luồn kim”, “Gọi đò” đến “Người ơi, người ở đừng về”... Giọng hát trong trẻo, da diết khiến cả lán rộn ràng tiếng cười, tiếng vỗ tay. Sau tiết mục cuối, các chiến sĩ hài hước: “Chúng tôi không về đâu, đợi bao giờ quan họ về thì chúng tôi mới về”. Trên đường tiễn Lệ Ngải trở lại đơn vị, Phạm Tiến Duật bất ngờ trải lòng: “Anh ở đây đã 4-5 năm rồi, chưa một lần được ra Bắc. Nhớ nhà, nhớ cô gái miền Bắc lắm. Cảm ơn em! Hôm nay, em làm anh thật xúc động. Anh sẽ viết một bài thơ tặng em ngay tối nay”.

Không ngờ, chiều hôm ấy, đoàn văn công nhận lệnh gấp rút di chuyển về Pleiku, Gia Lai, không kịp để lại lời tạm biệt nào. Mãi 5 năm sau, Lệ Ngải mới lần đầu đọc bài thơ nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng mình trong đêm Giao thừa giữa Trường Sơn năm ấy. Gần 3 thập kỷ sau, họ gặp lại trong Ngày Thơ Việt Nam ở Bắc Ninh. Hôm ấy, nghệ sĩ Lệ Ngải cất giọng ngâm bài thơ cũ, trong đó có những câu thơ:

      Tiếng em hát “Người ơi...”
      Người gần nhau mãi mãi
      Tiếng em hát “Đò ơi...”
      Sông đưa đò gần lại
      Tiếng em hát “Cây ơi...”
      Cây nhú thêm mầm mới
      Tiếng nồng say em gọi
      Náo nức tuổi trăng lên
      Cái giọng thì của em
      Mà lời anh đấy nhỉ?
      Giữ em chẳng được nào
      Hẹn nhau ngày thắng Mỹ
      Lại hát tặng tiễn nhau
      Như bạn bè quan họ
      Rằng: Người đi người nhớ
      Rằng: “Người ơi người ở đừng về...”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc này tuổi đã ngoài 60, lặng lẽ trao tặng bà một bông hồng, mắt đỏ hoe: “Bao nhiêu năm rồi mà em vẫn còn thuộc bài thơ à?”. Bà đáp: “Em thuộc từ lâu, lúc nào cũng mang trong tim”.

Tết Nguyên đán 2007, tại nhà riêng của nhà văn Đỗ Chu, nơi các văn nghệ sĩ thường tụ họp ngâm thơ đón xuân, nhà thơ Phạm Tiến Duật bảo ông mời nghệ sĩ Lệ Ngải đến. Đó là lần gặp cuối cùng của hai người. Cuối năm ấy, nhà thơ ra đi sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, để lại những vần thơ và một “tình thơ” Trường Sơn không phai trong ký ức người con gái quan họ.

PHẠM THỨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.