Thiếu tá Lê Văn Khuyến bắt đầu viết thư pháp khi còn là học viên năm thứ 2 của Trường Sĩ quan Chính trị. Không được học thư pháp qua trường lớp chính quy, anh mày mò luyện tập qua sách vở, internet và những video clip của các nghệ nhân nổi tiếng trên YouTube. Với anh, điều quan trọng nhất vẫn là đam mê và sự tỉ mỉ. Anh cho biết: “Rèn luyện thư pháp là cả một quá trình. Quan trọng là mình phải có con mắt nhìn để sửa chữa sau mỗi lần viết”.

Thư pháp đến với Thiếu tá Lê Văn Khuyến không chỉ là tình yêu nghệ thuật chữ nghĩa mà còn là nơi để suy ngẫm sâu hơn về cuộc sống, về cái đẹp và sự an yên. Với anh, thư pháp không bị bó buộc bởi quy tắc cứng nhắc. “Cứ chữ đẹp là thư pháp rồi. Đẹp không chỉ ở hình thức mà còn ở ý nghĩa, ở tinh thần mà người viết gửi gắm vào từng con chữ. Ví dụ như chữ "nhẫn", chữ "bình an", hay "trung hiếu" mà mình hay viết”, anh chia sẻ.

       Ông đồ Lê Văn Khuyến tặng chữ tại Hội Báo toàn quốc năm 2025.

Khác với nhiều “ông đồ” hiện đại coi thư pháp như một công việc bán thời gian để tăng thêm thu nhập, Thiếu tá Khuyến chọn cho mình một hướng đi khác: Viết thư pháp là lan tỏa văn hóa truyền thống. Anh tham gia viết thư pháp miễn phí trong các sự kiện của nhà trường, của Quân đội hay tại các hoạt động giao lưu văn hóa với người dân.

Đặc biệt, anh từng cùng các đồng đội của Phòng Văn hóa văn nghệ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam viết thư pháp tặng người dân tại Hồ Gươm (Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh cũng từng góp mặt tại Hồ Văn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám để giao lưu với các nghệ nhân lớn, vừa là dịp học hỏi, vừa là cơ hội để lan tỏa tình yêu thư pháp đến cộng đồng.

Không dừng lại ở hoạt động nghệ thuật, niềm đam mê thư pháp còn góp phần làm giàu thêm cách thức giảng dạy của người giảng viên chính trị. Anh từng đảm nhiệm vị trí chính trị viên đại đội quản lý học viên. Khi đó, những nét bút của anh truyền cảm hứng để học viên rèn chữ, đúng với tinh thần “nét chữ, nết người”. Sau khi tốt nghiệp cao học, làm giảng viên tại Trường Sĩ quan Chính trị, anh kết hợp thư pháp vào việc viết bảng, sử dụng những phép ẩn dụ, hình ảnh từ thư pháp để tăng tính trực quan và cảm xúc cho bài giảng. Anh tin rằng thư pháp giúp người học viên sĩ quan không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn bồi đắp thẩm mỹ, khả năng cảm thụ và tư duy hình ảnh-điều rất cần thiết với một người làm công tác Đảng, công tác chính trị.

Anh có biệt danh “ông đồ áo xanh” được nhiều người mến tặng. Trên nền tảng TikTok, “ông đồ áo xanh” cũng là kênh để anh lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc, những bài học đạo lý và những nét đẹp của thư pháp đến với đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. “Thư pháp giúp con người tìm đến chân-thiện-mỹ, sống sâu sắc hơn và yêu cái đẹp của truyền thống dân tộc”, anh chia sẻ.

Trong sự kết hợp hài hòa giữa phẩm chất người lính và tâm hồn nghệ sĩ, “ông đồ áo xanh” Lê Văn Khuyến đang âm thầm góp phần nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu, nét đẹp thư pháp trong cộng đồng.

Bài và ảnh: HOA LƯ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.