Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hướng đi mới cho một tác phẩm mà anh đã từng xem từ khi còn nhỏ, vở hài kịch “Quẫn” của cố tác giả Lộng Chương đã được NSƯT Trần Lực dàn dựng lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đây là vở diễn do Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội dàn dựng và cũng là vở diễn khởi đầu cho dự án ký kết hợp tác đào tạo và biểu diễn giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Vở hài kịch “Quẫn” sẽ được biểu diễn vào tối 18-2, tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Vở diễn này đã đạt Huy chương bạc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016, NSƯT Trần Lực đạt giải đạo diễn xuất sắc nhất.

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở "Quẫn".  
“Quẫn” là vở kịch xoay quanh chuyện của gia đình tư sản nhà ông bà Đại Cát. Chỉ vì lo sợ và không muốn những tài sản lớn sau bao năm bị mất trắng, ông bà Đại Cát đã tìm mọi cách để tẩu tán. Bằng lối dàn dựng mới, mang tính ước lệ, đạo diễn Trần Lực đã khiến người xem “cười ra nước mắt” với những câu chuyện về lòng tham và sự hám lợi của hai vợ chồng ông bà Đại Cát, bà mẹ Đại Lợi, em gái Đại Hưng.

“Kịch bản “Quẫn” của cố tác giả Lộng Chương là một trong những vở kịch kinh điển của Việt Nam, được viết theo dòng hiện thực tâm lý nhưng khi dàn dựng lại cho các diễn viên thì tôi làm theo phương pháp ước lệ. Để làm được điều này, tôi phải biên tập, chỉnh sửa lại kịch bản. Qua vở diễn “Quẫn”, tôi muốn chứng minh cho các em sinh viên thấy rằng, với nghệ thuật sân khấu thì cái gì cũng có thể làm được”, đạo diễn Trần Lực cho biết.

Khi dàn dựng vở diễn “Quẫn”, có ý kiến cho rằng, đạo diễn đã “mạo hiểm” khi sử dụng dàn diễn viên năm thứ 4 của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội vào vở diễn này. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Lực khẳng định, với sinh viên Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội thì năm thứ 4 đã là diễn viên rồi. Khi nhập vai, các em diễn bằng tâm thế của người diễn viên.

leftcenterrightdel
Đạo diễn, NSƯT Trần Lực.  
Đạo diễn Trần Lực mong muốn, dàn dựng vở diễn này để các em sinh viên có những trải nghiệm mới trước khi ra trường và trở thành những diễn viên thực thụ đồng thời để các em được trải nghiệm qua nhiều trường phái sân khấu khác nhau, được diễn theo nhiều phong cách.

“Trong vở diễn này, chúng tôi muốn đưa quan điểm, cái nhìn của con người thế hệ hiện tại về một thời điểm, một giai đoạn mà thế hệ cha ông đã trải qua. Vở “Quẫn” thể hiện tính ước lệ cả trong diễn xuất của diễn viên. Tất cả những biểu hiện bên ngoài của diễn viên, từ động tác đến diễn xuất đều phải được luyện tập nhiều lần, người diễn phải tập trung cao độ, giữ được cảm xúc, chỉ cần buông cảm xúc trong vài giây là sẽ hỏng ngay tác phẩm. Ngoài ra, diễn viên vừa phải múa, hát vừa diễn tả nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Vì thế khi nhập vai đòi hỏi người diễn không chỉ có trình độ diễn xuất mà còn cả niềm đam mê với nghề”, đạo diễn Trần Lực chia sẻ.

Ngọn lửa dành cho sân khấu truyền thống chưa bao giờ ngừng tắt đối với đạo diễn Trần Lực. Trong tâm của người nghệ sĩ này luôn ý thức rằng, mình là người Việt Nam và đang sở hữu kho tàng sân khấu truyền thống của dân tộc nên mỗi người nghệ sĩ phải biết khai thác, sử dụng tác phẩm của thế hệ trước như thế nào để vừa phát huy được giá trị của tác phẩm vừa góp phần để thế hệ ngày nay thêm hiểu, yêu nghệ thuật dân tộc.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN