Bộ phim “Biên cương” do anh làm đạo diễn; tác giả kịch bản kiêm Giám đốc Sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát, Công ty TNHH truyền thông Nam Phương (HONGNGAT FIM) thực hiện vừa hoàn thành và dự kiến sẽ được chiếu rộng rãi trong dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2017) là một trong những tác phẩm mà đạo diễn Nguyễn Đức Việt thực hiện bằng tình yêu và sự cảm phục của mình đối với các chiến sĩ Bộ đội biên phòng.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt đã trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện bộ phim “Biên cương” nói riêng và người chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo nói chung.

leftcenterrightdel
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt (người ngồi) đang xem lại một cảnh quay trong phim "Biên cương".
Phóng viên (PV): Được biết, kinh phí làm bộ phim “Biên Cương” hạn chế nhưng anh và ê kip vẫn hoàn thành một tác phẩm phim truyền hình ấn tượng với nhiều cảnh quay đặc sắc ở vùng cao vào lúc thời tiết rét đậm. Anh làm thế nào để khắc phục khó khăn để thực hiện bộ phim này?

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt: Khi nhận lời làm bộ phim này với mức kinh phí chỉ có 400 triệu đồng nên tôi ý thức rằng sẽ phải tiết kiệm chi phí thì mới có thể thực hiện được. Ngay cả với các diễn viên, tôi cũng làm việc trước với họ để nói rõ những khó khăn rằng, đây là phim của nhà nước, đề tài miền núi nên cát xê sẽ không tương xứng với công sức bỏ ra nhưng bù lại, các diễn viên sẽ có một bộ phim tốt và tự hào vì đã được tham gia làm được bộ phim như vậy. Khi đọc xong kịch bản, các diễn viên đều hào hứng tham gia bởi nội dung phim chặt chẽ, hấp dẫn, các tuyến nhân vật rõ nét. Đặc biệt là vai diễn chính trong phim, đồn trưởng Tân do diễn viên Thiện Tùng thể hiện; Trần Vân Anh vai bác sĩ người Hà Nhì Pà Cà Mí, người yêu Tân.

Một khó khăn nữa là quá trình di chuyển, phương tiện đi lại để quay phim bởi hầu hết các cảnh quay đều thực hiện ở vùng cao. Tuy nhiên, khó khăn này được khắc phục bởi chúng tôi có sự giúp đỡ rất tích cực của các chiến sĩ bộ đội Biên Phòng.

Ngoài ra, các trang thiết bị hỗ trợ quá trình làm phim như phương tiện, máy móc tôi đều được Hãng phim truyện Việt Nam cho thuê với giá hợp lý.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Cảnh trong phim Biên cương. Ảnh: BTC
PV: “Biên cương” có phải là phim đầu tiên anh làm về bộ đội biên phòng?

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt: Tôi đã làm nhiều phim về bộ đội nhưng đây là bộ phim đầu tiên tôi làm về các chiến sĩ biên phòng. Năm ngoái, tôi cùng nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đi thực tế ở một số đồn biên phòng để lấy tư liệu viết cho phim điện ảnh nhưng vì kinh phí làm thể loại này khá cao, nên sau đó chuyển sang làm phim truyền hình với độ dài 90 phút.

Từ chuyến đi thực tế đó đã giúp tôi gắn kết hơn với các chiến sĩ biên phòng. Được trải nghiệm cuộc sống của các chiến sĩ nơi biên cương nên tôi cảm nhận được cuộc sống vất vả, hiểm nguy của người chiến sĩ, họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hình ảnh về các chiến sĩ biên phòng nơi biên giới đã chạm đến trái tim của tôi và mang đến nhiều xúc cảm để thực hiện bộ phim “Biên cương”.

Khi nhận kịch bản từ nhà biên kịch Hồng Ngát, tôi chỉnh sửa và thấy đầy ắp những sự kiện thật, con người thật. Chuyến đi thực tế này đã giúp chúng tôi có tiếng nói chung để khắc họa hình ảnh người chiến sĩ biên phòng.

PV: Theo anh, làm phim về đề tài người chiến sĩ có khác với những loại hình phim khác?

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt: Thực hiện những bộ phim về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là phải làm sao thể hiện chân thực những hình ảnh bộ đội gần gũi với nhân dân.

Thực ra, đã làm phim thì cảnh nào cũng khó thực hiện nhưng vấn đề là làm sao thể hiện cho chân thực và mang lại cảm xúc cho khán giả chứ không phải ở những cảnh đông người hoặc ít người tham gia. Mỗi cảnh có những cái khó riêng nhưng vấn đề là đạo diễn xác định được cảnh, đoạn phim mình quay thế nào, thực hiện ra sao, phục trang ra sao để hợp với cảnh đó. Chẳng hạn như cảnh khó nhất trong phim “Biên cương” là những cảnh quay ở phiên chợ vùng cao bởi cái khó là mình không thể tổ chức được cả phiên chợ đó. Nếu là phim điện ảnh thì chúng tôi tổ chức được phiên chợ đó được nhưng trong phim này, để tiết kiệm kinh phí nên chúng tôi phải quay trực tiếp. Vì thế, diễn viên phải cài vào phiên chợ để diễn thì có lúc được và lúc không được. Lúc không được không phải do diễn viên diễn không đạt mà do có khi quần chúng họ nhìn vào máy quay, đó là những cái khó mà mình không kiểm soát được. Một cái khó nữa là thời gian họp của phiên chợ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 4-5 tiếng nên phải thao tác nhanh.

PV: Mặc dù biết trước những khó khăn khi làm những phim về biên giới, hải đảo nhưng tại sao anh vẫn thực hiện?

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt: Nếu có điều kiện được làm phim về bộ đội nữa thì tôi muốn thực hiện một bộ phim về các chiến sĩ ngoài hải đảo. Phim thực hiện ở đảo tuy khó khăn hơn những phim quay ở đất liền nhưng có thú vị riêng bởi trong khó khăn thì mình tìm ra những niềm vui, đó cũng là cái hay. Tôi muốn làm phim ở đảo Trường Sa, hoặc một quần đảo nào đó.

Tôi rất thích làm phim về các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo bởi tôi là một người yêu nước, yêu những tấm gương, yêu những sự hy sinh, gian khổ của người chiến sĩ và công việc mà các chiến sĩ đang làm. Tình yêu này nằm trong máu thịt của tôi nên dù vất vả, tôi vẫn làm bởi không có gì thú vị bằng việc được làm bằng tình yêu của chính mình dành cho tác phẩm điện ảnh mà mình yêu thích. Còn làm vì mục đích kinh tế thì chưa chắc đã thú vị, có khi lại bị những sức ép khác. Dĩ nhiên phim có kinh phí cao thì sẽ tốt hơn, đáp ứng cho ê kíp làm phim tốt thì mình cảm thấy yên tâm hơn để mọi người đỡ thiệt thòi.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)