Trong buổi báo cáo nghiệm thu đề tài diễn ra tại sân khấu của nhà trường, Thượng tá, NSƯT Hương Giang và các nghệ sĩ đã thực hành biểu diễn minh họa gồm 10 ca khúc, mang âm hưởng dân ca tiêu biểu 3 miền như: “Dáng đứng Bến Tre” (Nguyễn Văn Tý), “Giận mà thương” (Trần Hoàn), “Về quê” (Phó Đức Phương), “Gọi trăng” (Hồ Trọng Tuấn)…

Đại tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Phó hiệu trưởng Nhà trường đánh giá cao tinh thần nghiên cứu khoa học và thực hành biểu diễn của nghệ sĩ đối với đề tài. 

Đề tài này là một hướng đi mới, có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy và đào tạo nghệ sĩ thanh nhạc trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, đề tài cũng đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân gian trong môi trường học thuật Quân đội hiện đại.

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tá, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, đề tài đã tập trung đánh giá thực trạng giảng dạy và biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miền tại Khoa Thanh nhạc trong những năm qua, đồng thời tổ chức thực hành biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca tiêu biểu 3 miền.

Trên cơ sở đó, đã tiến hành phân tích, đánh giá và đề xuất nhiều giải pháp, kết luận và kiến nghị phù hợp. Trong đó, nhấn mạnh những giải pháp thiết thực tập trung cải thiện các nhân tố tác động đến chất lượng biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Hội đồng nghiệm thu hy vọng đề tài góp phần bảo tồn và phát triển, lan tỏa giá trị đặc sắc của dân ca Việt Nam.

Nhóm tác giả định nghĩa rõ các khái niệm “ca khúc”, “dân ca” và “ca khúc mang âm hưởng dân ca”, tạo cơ sở chung cho nghiên cứu và thực hành. Đồng thời, phân tích sự đa dạng của dân ca 3 miền, giúp nhận diện sâu sắc bản sắc văn hóa vùng miền. Trình bày tiến trình hình thành, phát triển của ca khúc mang âm hưởng dân ca, khẳng định vai trò quan trọng của dân ca trong đời sống tinh thần dân tộc, đồng thời kêu gọi bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Việc ứng dụng kỹ thuật thanh nhạc vào xử lý tiếng Việt được xem là cách tiếp cận sáng tạo nhằm tôn vinh vẻ đẹp ngôn ngữ trong âm nhạc.

Trên cơ sở đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miền tại nhà trường.

“Xuất phát từ việc định vị rõ ràng vấn đề nghiên cứu, phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca là tập hợp những kỹ thuật, kỹ năng và cách thức mà người nghệ sĩ sử dụng để truyền tải nội dung, cảm xúc và ý nghĩa của ca khúc đến khán giả một cách hiệu quả và lôi cuốn nhất, nhóm tác giả đã đề xuất 4 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miền tại nhà trường, gồm: Xây dựng chương trình đào tạo đa dạng; đề xuất phương pháp biểu diễn mới; tăng cường các hoạt động giao lưu kết nối; sử dụng công nghệ trong biểu diễn…”,  Thượng tá, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ.

 
 
 Các tiết mục được NSƯT Hương Giang và các nghệ sĩ biểu diễn trong báo cáo đề tài.

Đại tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Phó hiệu trưởng Nhà trường đã đánh giá cao tinh thần nghiên cứu khoa học và thực hành biểu diễn nghiêm túc, chất lượng khoa học cũng như tính ứng dụng thực tiễn của đề tài: “Đây là một trong những đề tài có tính ứng dụng cao tại nhà trường trên cả 3 phương diện: Giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hành biểu diễn. Trên cơ sở thành công của đề tài, nhà trường sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật chuyên sâu theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ Quân đội và đất nước”.

HÀ ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.