Năm qua, chị cho ra mắt album vol.3 với tựa đề “Tình biên cương” để tặng các chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc. Trước thềm năm mới 2017, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ca sĩ, NSƯT Khánh Hòa.
Phóng viên (PV): Được biết sau chuyến công tác đầu tiên tháng 4-2009 ra Trường Sa trở về, chị luôn đau đáu nhớ về Trường Sa và liên tục xin được tiếp tục đến với Trường Sa để hát tặng các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, lý do nào khiến chị dành nhiều tình cảm cho Trường Sa đến như vậy?
NSƯT Khánh Hòa: Năm 2009, lần đầu tiên NSƯT Khánh Hòa nhận nhiệm vụ ra Trường Sa công tác, đem tiếng hát của mình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Khi biết mình vinh dự được ra Trường Sa cùng đoàn công tác, tôi và các đồng nghiệp đã phải tập luyện thêm một số ca khúc, tiết mục về Trường Sa và về biển, đảo; đặc biệt là ca khúc “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long.
Còn nhớ chuyến công tác đầu tiên, đứng trước hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi cảm thấy rưng rưng không thể nào diễn tả nổi. Tôi không thể nào quên hình ảnh Trường Sa thân thương của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió và thật sự cảm phục sự kiên cường của các chiến sĩ nơi đảo xa. Các anh đã không quản gian khổ, vất vả khắc phục những khó khăn để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cũng không thể nào quên được cảm xúc khi cất lên lời ca “…Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh…” được cán bộ, chiến sĩ trên đảo đồng lòng vỗ tay hưởng ứng và khích lệ. Đó chính là lý do mà tôi luôn nhớ về Trường Sa và thầm hứa với mình sẽ làm một điều gì đó dành cho Trường Sa, để Trường Sa không xa.
Ca sĩ Khánh Hòa và các chiến sĩ.
PV: Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với chị trong chuyến đi công tác Trường Sa là gì?
NSƯT Khánh Hòa: Tính đến nay, tôi đi công tác ra Trường Sa đã được 4 lần. Lần thứ nhất vào tháng 4-2009, lần thứ 2 tháng 5-2010, lần thứ 3 ra Trường Sa ghi hình album ca nhạc vào tháng 5-2012 và lần thứ 4 năm 2014. Mặc dù bị say sóng nhưng mỗi khi được lên tàu ra Trường Sa công tác, tôi lại cảm thấy rất vui và mong muốn thường xuyên được mang lời ca tiếng hát của mình để động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi có lẽ là chuyến ra Trường Sa lần đầu tiên năm 2009. Khi bước chân lên Nhà giàn, nhìn thấy sự vất vả, hy sinh gian khổ của cán bộ chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió tôi không thể cầm được nước mắt và mong muốn tặng một vật gì đó quý giá nhất của mình cho các chiến sĩ. Tôi đã rút chiếc nhẫn cưới để tặng một chiến sĩ trẻ nhất trên Nhà giàn. Đó là một kỷ niệm sâu sắc và cũng là dấu ấn để tôi ấp ủ làm album ca nhạc về Trường Sa.
Để thực hiện album “Gần lắm Trường Sa”, tôi đã phải theo đuổi dự án trong hai năm, trong đó có một năm làm thủ tục xin phép để đoàn làm phim ca nhạc được ra Trường Sa và quay các cảnh trên đảo, thời gian còn lại là chọn bài, phối khí và ghi hình tại các điểm: Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Trường Sa… Trong chuyến hải trình ra Trường Sa làm album ca nhạc, tôi nhớ nhất những lúc đứng trên boong tàu hát để quay phim. Vì muốn có cảnh quay đẹp nên đạo diễn yêu cầu phải đứng lên ghế cho cao qua khỏi lan can tàu, lúc đó tàu vẫn đang di chuyển nên tôi cảm thấy rất run nhưng khi nghĩ đến Trường Sa, nghĩ đến các chiến sĩ nơi đảo xa, tôi cố gắng bình tâm nhìn ra xa cho khỏi say sóng và hát.
Ca sĩ Khánh Hòa hát cùng các chiến sĩ bộ đội Biên phòng trong album "Tình Biên cương” .
PV: Sau album “Gần lắm Trường Sa” và “Tình Biên cương”, chị có ấp ủ gì về một video ca nhạc dành cho bộ đội Phòng không-Không quân?
NSƯT Khánh Hòa: Tôi đã từng được nghe nhiều người hỏi sao không làm album về bộ đội Phòng không-Không quân. Nhưng tôi nghĩ, làm việc gì cũng cần phải có thời gian. Mặc dù vẫn biết bộ đội Phòng không-Không quân có rất nhiều đơn vị đóng quân xa khu dân cư, thành phố. Các anh là những người lính canh trời Tổ quốc, cũng ngày đêm vất vả trên trận địa, rất cần sự động viên, chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ mình vẫn phải chờ đợi cho đến độ chín muồi mới thực hiện được, bởi có rất nhiều yếu tố cần phải hoàn thiện như chọn bài hát, điều kiện để thực hiện, xin giấy phép và làm các thủ tục để ghi hình làm album… Hy vọng trong thời gian không xa, tôi sẽ thực hiện được album ca nhạc về bộ đội Phòng không-Không quân.
PV: Mỗi khi Tết đến, xuân về, mặc dù không trực tiếp ra Trường Sa đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo nhưng chị vẫn thường gọi điện chúc Tết và hát cho bộ đội trên các đảo nghe, chị có cảm xúc lúc đó thế nào?
NSƯT Khánh Hòa: Đã thành thông lệ, từ Tết năm 2015, cứ vào thời khắc Giao thừa và tối ngày mồng 1 là tôi lại gọi điện thoại ra các đảo ở Trường Sa để chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, sau đó hát cho các anh nghe những bài hát về mùa Xuân và đề nghị các anh phát tín hiệu ra loa cho đồng đội cùng nghe như các bài hát: Mùa xuân nơi Trường Sa, Sức sống Trường Sa, Gần lắm Trường Sa… và giao lưu nói chuyện với các anh. Cũng thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo hát tặng lại tôi những bài hát về người lính Trường Sa và về bộ đội Hải quân…
Khi hát cho bộ đội nghe qua điện thoại, tôi cảm thấy thương các anh vô cùng khi phải ăn Tết xa gia đình. Giữa muôn trùng sóng gió đầy khó khăn gian khổ nhưng các anh vẫn vững vàng bảo vệ từng hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lúc đó tôi cảm thấy tình yêu của mình dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo thật lớn lao, một cảm xúc thiêng liêng dâng trào khi tôi vừa hát vừa nhớ lại từng hòn đảo mà mình được đặt chân lên đó, nhớ những ánh mắt, nụ cười và cả những gương mặt sạm đen vì nắng gió của các chiến sĩ đã từng đón tôi mỗi khi ra Trường Sa công tác. Những lúc đó tôi cảm thấy đất liền và đảo không còn là khoảng cách nữa, mà như mình đang đứng giữa lòng Trường Sa để hát cùng các anh.
PV: Xin cảm ơn và chúc chị bước sang năm mới 2017 luôn mạnh khỏe, tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật của mình.
MAI VĂN ĐÔNG (thực hiện)