Khi còn bé thơ, còn gì hạnh phúc và an toàn hơn khi được ở trong vòng tay cha mẹ, được chăm bẵm yêu thương, được lo lắng cho từng miếng ăn giấc ngủ. Nhìn những em nhỏ thơ ngây phải cài cho mình bông hoa trắng trong ngày Vu Lan chắc hẳn ai cũng xót xa và ái ngại.

Hai tiếng mồ côi dù là người đã đi gần hết đời người còn thấy đớn đau nói chi là những bé thơ như con chim non còn chưa đủ lông cánh, chưa thể tự lo cho bản thân. Dù có được chăm sóc bởi bà con họ hàng hay bởi những tấm lòng nhân ái của cộng đồng, trẻ mồ côi luôn là một câu chuyện buồn trong cuộc sống. Dáng điệu bơ vơ, lạc lõng, đôi mắt buồn rười rượi làm đau lòng nhiều người. Mỗi lần Vu Lan đến, lại thêm một lần tủi thân và thương cha nhớ mẹ.

Không có tình cảm nào có thể thay thế tình cảm của cha mẹ dành cho con. Từ lúc con thành hình là mẹ đã chịu biết bao nhiêu vất vả để mang thai, sinh nở rồi nuôi nấng con suốt những năm đầu bé dại, “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Rồi những lúc con ốm đau hay gặp trở ngại gì, cũng luôn là mẹ cha chở che, nâng đỡ. “Còn cha gót đỏ như son”, thật ấm êm và sung sướng biết chừng nào. Dù cuộc sống có thể thiếu hụt về vật chất, vất vả và khó nhọc, nhưng nếu được chọn lựa, chắc hẳn mỗi đứa con đều muốn được sống trong tình thương của cha mẹ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Ảnh: dangcongsan.vn.

Năm tháng trôi đi, khi những đứa con lớn lên cũng là lúc cha mẹ dần đi qua bên kia sườn dốc của cuộc đời nhưng tình thương dành cho con cái thì vẫn luôn đầy ắp như suối nguồn không bao giờ vơi cạn.

“Con dù lớn vẫn là con của Mẹ. Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”, cha mẹ vẫn luôn là chốn bình an cho con tìm về, là chỗ dựa tinh thần để con có thể nương nhờ khi gặp phải những khó khăn, thất bại trên đường đời. Thật hạnh phúc biết bao khi vẫn còn được làm đứa con bên cha mẹ khi đã là cha mẹ. Chính những vất vả, khó khăn khi nuôi dạy con giúp những đứa con đã trưởng thành hiểu được lòng cha mẹ hơn. Nhưng rồi cuộc sống bận rộn với bao nỗi lo toan đã có lúc làm những đứa con quên mất cha mẹ già như chuối chín cây, như đèn trước gió đang rất cần sự thương yêu, gần gũi và chăm sóc từ con cái. Cuộc sống đầy những bất ngờ, rủi ro có thể khiến mọi thứ xảy ra theo một cách mà mình không thể lường trước để rồi còn lại là những ân hận, tiếc nuối, xót xa.

Vu Lan về, với những đứa con đã trưởng thành, khi còn được cài lên áo bông hoa màu đỏ là một diễm phúc lớn lao và cũng là một sự nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm với đấng sinh thành, những người đã sinh ra, nuôi dưỡng và theo chúng ta suốt cuộc đời dài đến lúc mỏi gối chùn chân. Thời gian của một đời người vốn ngắn ngủi, với cha mẹ thì đã là chặng cuối. Được ở bên cha mẹ, đáp đền phần nào công lao trời biển là sự may mắn mà không phải ai cũng có được. Với những người phải cài cho mình bông hoa trắng thì là một sự khắc khoải, nhớ thương, tìm về những hoài niệm ngày còn bên cha mẹ.

Mùa Vu Lan là lúc chúng ta hướng lòng về cha mẹ, về những điều mình có thể làm cho cha mẹ. Mỗi lần Vu Lan đến, tôi thường đi chùa vì tìm thấy ở Phật Giáo một sự nhân văn rất lớn dành cho những đứa con. Ai đến đó cũng được sự an ủi về chữ hiếu dành cho cha mẹ, dù cha mẹ còn sống hay đã mất. Người còn cha mẹ thì cầu an cho cha mẹ, làm những việc tốt, đóng góp công đức để cha mẹ được thêm tuổi thọ, được khỏe mạnh, bình an. Với những ai không còn cha mẹ và còn nhiều ray rứt về những điều mình chưa làm được có thể tìm thấy ở Phật pháp một sự an ủi bằng cách cầu siêu, làm điều tốt để hồi hướng cho cha mẹ sớm được siêu thoát. Dù chỉ là một niềm tin, nhưng với những ai trót chưa làm tròn đạo hiếu khi cha mẹ còn trên trần thế thì cũng là cách để họ thấy lòng phần nào nhẹ nhõm hơn và giúp họ sống tốt hơn khi nghĩ về cha mẹ.

Trên thế giới có muôn ngàn kỳ quan rực rỡ, nhưng với mỗi đứa con, không có gì thiêng liêng và ấm áp hơn tình thương của cha mẹ. Dịp lễ Vu Lan, người ta đi chùa để thắp nén hương cầu bình an cho cha mẹ đang còn tại thế hay cầu siêu cho cha mẹ đã qua đời là một việc làm hướng thiện rất đáng được duy trì và nhân rộng. Khi cầm bông hoa đăng thả theo dòng nước, hẳn là lúc lòng người thật nhẹ nhõm và đầy ắp yêu thương. Chúng ta là những đứa con, và chúng ta cũng là cha mẹ, sợi dây tình cảm ấy sẽ tiếp nối mãi qua các thế hệ cũng như mùa Vu Lan báo hiếu vẫn luôn trường tồn với văn hóa Việt Nam. 

LÊ QUANG HỒI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.