Đồng bãi nay cũng khác xưa, cỏ dại mọc cao ngút. Đồng đất hoang hóa bởi dân làng tôi đã bỏ ruộng nhiều. Thi thoảng có nhà cải tạo để trồng cây ăn quả. Lác đác có người từ nơi khác về thuê lại đất, dựng khung làm nhà lưới trồng rau sạch hay đào ao nuôi cá. Nhưng chừng ấy chưa đủ khỏa lấp cái đìu hiu của đồng hoang. Bóng người tảo tần hôm sớm với đất nâu ngày càng thưa vắng.

Chiều dần tắt nắng. Lặng lẽ dạo bộ trên đường đồng, lòng nôn nao nhớ những ngày đầu trần, chân đất trên con đường sỏi lổn nhổn găm dưới gan bàn chân. Tưởng như mới đó thôi mà dễ 4 thập niên đã trôi qua.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Ngày ấy, với lũ trẻ thôn quê chúng tôi, có biết bao trò diễn ra trên đồng bãi này, mà xôm nhất có lẽ là những ngày sau mùa gặt. Thời đó, đời sống của người dân quê tôi chủ yếu tự cung tự cấp. Lúa gạo, rau xanh nhà trồng, đồ ăn thì lượm lặt ở ao, hồ với những thứ quen thuộc như tép, tôm, cua, cá...

Vào mùa gặt, bữa cơm như ngon hơn với món châu chấu mà chúng tôi bắt được sau những giờ phơi nắng trên cánh đồng lởm chởm gốc rạ tươi. Dụng cụ chúng tôi dùng để đánh châu chấu là vỉ đập có cán được làm từ một đoạn tre, một đầu buộc mảnh dép tông được cắt đôi. Sở dĩ dùng mảnh tông bởi nó đủ nặng để “hạ gục” châu chấu, nhưng cũng đủ mềm và có độ đàn hồi để châu chấu không bị nát. Châu chấu được chúng tôi đựng trong những chiếc chai thủy tinh, do cổ chai thắt lại nên lúc lấy ra rất khó, thường phải đổ nước kết hợp dùng que để kéo dần ra.

Thế nhưng, đựng bằng chai cũng có cái lợi bởi đó là đồ dễ kiếm, quan trọng hơn là thành chai nhẵn bóng, cổ chai nhỏ nên châu chấu không thể thoát ra ngoài. Nhìn “chiến lợi phẩm” vàng xuộm sau khi tưới mẻ nước sôi, rồi tưởng tượng ra đĩa châu chấu thơm ngậy được rang cùng lá chanh, chúng tôi đứa nào cũng chảy nước miếng. Đến hôm nay, khi nhớ lại, vẫn có thể tưởng tượng ra cái vị bùi, béo của châu chấu, nhất là những con cái đang có trứng, và cả mùi lá chanh thơm phức như đang đọng trên đầu lưỡi...

Ngày ấy, mỗi đứa trẻ ở quê tôi thường nuôi vài con vịt. Ngoài giun đào ở vườn nhà, những con nhái (còn gọi là ngóe) cũng là món “khoái khẩu” của lũ vịt. Nơi sẵn nhái nhất chính là đồng bãi sau vụ gặt. Nếu châu chấu thường bám vào gốc rạ hay đậu trên mặt ruộng thì nhái lại chọn nơi kín đáo hơn, và một trong những chỗ ưa thích của chúng là các vết chân trâu. Cứ tìm đến những vết chân trâu, chọc chọc cái đầu vỉ đập xuống đó, thế nào cũng có chú nhái vọt lên, có lúc tới hai con. Bây giờ nhái chế biến thành chả lại trở thành đặc sản đúng nghĩa ở nơi đô thị. 

Đồng bãi vào mùa nước ngập lại là lúc lũ con nít chúng tôi kéo nhau đi lượm ốc. Có lẽ, vì ngày ấy việc dùng thuốc trừ sâu chưa phổ biến nên vạn vật cứ thế sinh sôi. Ốc cũng thế, nhiều vô kể, bám dày dưới những gốc rạ thâm nâu ngập nước. Ốc lượm về, sau công đoạn ngâm là đến luộc. Áng chừng số ốc vừa khêu đã đủ nấu ăn, chỗ còn lại mẹ “tháo khoán” cho anh em tôi thưởng thức, khiến đứa nào cũng háo hức với thành quả từ một ngày bì bõm dưới đồng sâu.

Đồng quê, với người lớn luôn là nơi hằn sâu ký ức về những ngày một nắng hai sương, cần mẫn xới cày, sớm hôm chăm chút để giọt mồ hôi được đền đáp bằng những hạt lúa, củ khoai. Còn với lũ trẻ thôn quê, đồng bãi vừa là nơi tự do chạy nhảy thỏa thích, vừa là vùng đất gieo những hạt mầm đầu tiên của tình yêu lao động và sự sẻ chia khó nhọc với mẹ cha.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, nhưng nỗi nhớ trong trẻo về đồng xưa hẳn sẽ mãi vẹn nguyên như thế, tiếp tục đánh thức, thôi thúc những đứa con xa quê hướng đến một nẻo về...

HOÀNG HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.