QĐND - Với gần 200 bài thơ của 150 nhà thơ có mặt trong tập "Thơ hay Việt Nam thế kỷ XX" (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin liên kết với Công ty Văn hóa trí tuệ Việt ấn hành năm 2006); ta gặp rất nhiều bài thơ hay và những tác giả nổi tiếng. Tôi dừng lại ở bài "Thương nhớ" của Nguyễn Hồng Hà:
Thương nhớ
Thế là tao đợi chết già
Chứ không chết trẻ như là tụi bay
Tụi bay đi... thật tiếc thay
Những thằng lính trận hây hây má hồng.
Tụi bay chưa biết phải lòng
Cuộc đời trai, những chấm hồng trong tranh
Nhoàng một cái! Thế là "xanh"
Chiến trường còn lại những anh lính già.
Lính già thắng trận về nhà
Bao nhiêu tội vạ tà tà chia nhau
Thằng còn mảnh đạn trong đầu
Bỗng dưng quẳng áo đi đâu khỏi làng.
Có thằng nhiễm chất da cam
Đẻ con dị tật lại càng xót xa
Thoáng tân hôn vợ đã già
Có chồng thêm khổ, chẳng thà nằm không.
Đi đêm đâu lạc đường rừng
Giữa đường cái rộng vấp sưng mặt mày
Ngủ trong hầm hố thì say
Chiến tranh vật vã ở ngay trên giường.
Bây giờ cách trở âm dương
Bao giờ mới vợi nhớ thương tụi mày.
1997
Đọc "Thương nhớ", tôi muốn khóc, tâm hồn trĩu nặng một ám ảnh khôn nguôi. Có lẽ cũng không cần phải giải thích và bình luận nhiều bởi bài thơ rất dễ hiểu và viết về một đề tài rất quen thuộc, rất thật, viết thơ như nói chuyện đời thường. Vậy nhưng, đó lại là đề tài rất nhạy cảm, dễ gây xúc động. Một khi đề cập đến nó thì ai cũng muốn bàn, muốn nói ít nhiều-đề tài về chiến tranh, về số phận con người!
Bài thơ viết về người chiến binh thời hậu chiến nhớ thương những đồng đội đã từng chia lửa, sống chết có nhau nơi chiến trường lửa đạn. Đó là lời nói chuyện của một người đang sống với những linh hồn của đồng đội đã chết bởi cuộc chiến ác liệt sớm cướp đi cuộc sống của họ. Nói và kể với người đã chết như nói và kể với người đang sống trước mặt. Kể và nói với bạn vừa thân mật, an ủi, vừa như có cả đùa cợt, khôi hài, chua chát, lạnh lùng trước những thực tế tàn nhẫn mà chính họ và đồng đội phải chịu đựng.
Hai khổ thơ đầu, ngôi thứ nhất "tao" nói với ngôi thứ hai "tụi bay" về chính "tụi bay"-những người đã chết! Những đồng đội thân yêu của "tao" đã bị chiến trận cướp đi giữa tuổi thanh xuân.
"Thế là tao đợi chết già
Chứ không chết trẻ như là tụi bay"
Cái chết đối với "tao" (có thể là tác giả) quan niệm như một sự bình thường, kẻ trước người sau: "Thế là tao đợi chết già", chẳng hiểu đây là sự may mắn hay sự bất hạnh, tiếc nuối không được chết trẻ. Từ "thế là" như sự an bài, còn từ "đợi" như một sự mong ngóng. Thật là nghịch lý, xót xa. Vậy mà sự chết vẫn là một mất mát không mong muốn?
"Tụi bay đi... thật tiếc thay
Những thằng lính trẻ hây hây má hồng"
Quỹ sống của những người lính trẻ chết trận chẳng được là bao. Những chàng trai vừa lớn lên, dào dạt sức sống, đẹp đẽ thần tiên "hây hây má hồng", đầy trong sáng, triển vọng và tương lai rực rỡ, đẹp như "những chấm hồng trong tranh". Những chàng trai chưa hề biết yêu, được yêu, "chưa biết phải lòng" nói theo cách nói cổ xưa, dân dã. Những chàng trai trẻ trung, mới lớn, sớm phải rời xa quê hương, gia đình, bố mẹ và những người thân; rời xa đồng ruộng, nhà máy, mái trường lên đường ra tuyến lửa. "Thật tiếc thay" phút chốc họ đã hy sinh trong lửa đạn.
"Nhoàng một cái! Thế là "xanh"
Chiến trường còn lại những anh lính già"
Tuổi trẻ hăng hái và dũng cảm. Họ dễ lập chiến công đấy và cũng dễ hy sinh đấy. Một thời "dân lính" thường có câu: "Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực" như một sự xác định rất rõ ràng trước khi ra trận và như một quy luật, cái mất đi và cái còn lại. Nghịch lý "lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây" ở trường hợp này là một lẽ đương nhiên xa xót.
Nói với người thân, bạn bè, đồng đội đã chết, thuộc về cõi tâm linh mà không cần cầu kỳ, khách sáo, trang trọng. Ở đây, ta thấy ngôn ngữ thân mật, bỗ bã, đầy chất trẻ trung, khôi hài pha sự giễu cợt chua chát, một thứ ngôn ngữ có cả chất "bụi", rất "quậy", rất "lính". Các đại từ "tao", "tụi bay", "thằng", những động từ, danh từ chỉ vận tốc thời gian, chỉ cái chết "Nhoàng một cái! Thế là xanh", "Tụi bay đi... thật tiếc thay", đó là ngôn ngữ mà thường nhật sống bên nhau họ vẫn quen dùng.
Ba khổ sau, "tao" (tác giả) nói với bạn bè "tụi bay" đã mất, về những "thằng" "lính già" còn sống.
Lính già thắng trận về nhà
Bao nhiêu tội vạ tà tà chia nhau
Đó là những kẻ "chiến thắng". Khi nói "tà tà" "chia nhau" khiến ta quen gặp, quen nghe, tưởng như phải hiểu là hãy từ từ, đừng vội vã, ai cũng có phần. Đó hẳn phải là phúc phần, lộc phần vậy. Thế nhưng ở đây lại là họ chia nhau gánh vác tội vạ và bất hạnh, những di chứng, hậu quả của chiến tranh khốc liệt, tàn nhẫn! Không cười sao được? Không khóc sao được khi "tà tà" "chia nhau" như thế? Xót xa thay! Ta hãy xem họ được chia và được hưởng những phần nào?
Thằng còn mảnh đạn trong đầu
Bỗng dưng quẳng áo đi đâu khỏi làng
Chỉ hai câu đã nói rõ cả nhân quả. Vậy mà "bỗng dưng", sao lại "bỗng dưng"? Phải! Anh ta đang sống bình thường, anh ta bỗng điên, anh ta tâm thần, anh ta không còn là anh ta, anh ta không biết anh ta là ai? Sống mà không tỉnh, sống mà điên loạn, sống mà chẳng là người!
Và đây:
Có thằng nhiễm chất da cam
Đẻ con dị tật lại càng xót xa
Thoáng tân hôn vợ đã già
Có chồng thêm khổ, chẳng thà nằm không
Nhân và quả rõ ràng, không cần bình luận, giải thích, tự nó đã nói tất cả, một cách tường minh.
Những người lính từng trải qua biết bao những thử thách cam go, gian khổ. Họ đã từng vượt qua bao rừng sâu, đèo cao, vực thẳm, bao nhiêu sông suối, thác ghềnh. Họ từng xông pha trận mạc, anh dũng, kiên cường trước mưa bom, bão đạn. Họ đã đứng vững và chiến thắng. Vẫn những con người đó, thời hậu chiến, họ lại gặp những thử thách làm người, thử thách nhân cách, thử thách lòng dũng cảm chịu đựng những bất hạnh ngang trái khó lòng vượt qua. Chẳng những họ phải chịu đựng những bất hạnh của cuộc đời riêng tư, di hại chiến tranh, mà họ còn phải chứng kiến và chịu đựng những thử thách, vấp váp trên nhiều bình diện của cuộc đời vốn chẳng êm đềm:
Đi đêm đâu lạc đường rừng
Giữa đường cái rộng vấp sưng mặt mày
Ngủ trong hầm hố thì say
Chiến tranh vật vã ở ngay trên giường
Lại gặp hai câu thơ một, tương phản nhau. Cùng một sự việc, câu trên diễn ra trong chiến tranh, câu dưới diễn ra trong hòa bình.
Trong chiến tranh, giữa bom đạn đe dọa sự sống, người chiến sĩ vẫn vô tư ngủ ngon lành trong hầm hố, dẫu ở đó chưa có gì bảo đảm chắc chắn cho sự sống. Hình như lúc đó chỉ có bom đạn là thử thách duy nhất người lính, dẫu khốc liệt nhưng không làm họ bất an một khi họ đã xác định sống-chết là sự thường tình của người lính trận.
Trong thời bình, được nằm trên giường chiếu êm, rộng, trong không gian yên tĩnh, trong tình cảm của gia đình, quê hương thân yêu thì họ lại phải "vật vã", đau đớn, quằn quại, khốc liệt, bất an hơn rất nhiều lần những thử thách đạn lửa chiến trường. Làm sao có được những giấc ngủ ngon như ở hầm hố ngày xưa? Ta liên tưởng đến sự hành hạ của các cơn bệnh hiểm nghèo, cơn đau dữ dội bởi những tật nguyền, những thương tích mà người chiến sĩ phải đương đầu trên giường bệnh. Ta liên tưởng tới những nỗi đau thể xác và tinh thần của người chiến sĩ, kể cả những bất lực, mâu thuẫn và hậu quả đáng buồn trong chuyện gối chăn: "Chiến tranh vật vã ở ngay trên giường". Ta hiểu đây lại là trận chiến hơn cả những trận chiến họ đã từng gặp lúc chiến tranh. Đây là chiến tranh hơn cả chiến tranh! Khó lòng chiến thắng...
Chúng ta dễ gặp những bài thơ lục bát-thể thơ như quốc thi của dân tộc-đầy chất trữ tình, thơ mộng, hình ảnh đẹp, câu thơ nhuần nhụy, âm vận, nhạc điệu gợi cảm. "Thương nhớ" được viết dưới thể thơ lục bát quen thuộc nhưng không thuộc loại bài thơ như vậy. Tuy nó không lộng lẫy văn chương, hình ảnh, từ ngữ, triết lý không cầu kỳ, cao xa, không có những yếu tố như nhiều bài lục bát hay gặp, nhưng ai đọc nó mà không rơi nước mắt? Bài thơ viết như nói, "ráo hoảnh" nhưng tràn ngập nỗi đau và tình "thương nhớ" đồng đội, những số phận, kiếp người. Chẳng thấy triết lý truy tìm nguyên nhân cái chết hoặc những bất hạnh, không thấy một lời oán trách, chỉ có kể lể, giãi bày... Tính cụ thể, tính điển hình, tính khái quát trong kể lể, giãi bày này cũng rất tự nhiên mà chọn lọc.
"Thương nhớ" gieo vào chúng ta nỗi ám ảnh khôn nguôi về những khốc liệt của chiến tranh, những hậu quả do chiến tranh đem lại.
PHAN BÁ ẤT