Năm nay, Lễ hội Katê tổ chức từ ngày 1 đến 3-10. Không gian lễ hội diễn ra tại các đền, tháp Chăm và các làng Chăm theo đạo Bà La Môn thuộc 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thôn Thành Ý (xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm).
|
|
Các chức sắc đồng bào Chăm tại lễ hội. |
|
|
Nghi lễ rước y trang Pô Inư Nưgar. |
Từ chiều 1-10, nhân dân các thôn Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) tổ chức lễ rước y trang Pô Inư Nưgar từ đồng bào người Raglai ở thôn Tà Nô (xã Phước Hà, huyện Thuận Nam) về đền thờ trong thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu). Sáng 2-10, Hội đồng Chức sắc, Ban phong tục các tháp Pô Klong Garai, Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar tiến hành các nghi thức Lễ hội Katê theo truyền thống. Ngày 3-10, Lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại các làng, tộc họ và gia đình người Chăm theo đạo Bà La Môn trên địa bàn tỉnh.
|
|
Thiếu nữ Chăm trong bộ trang phục truyền thống. |
|
|
Đồng bào người Chăm theo đạo Bà La Môn bày nhiều lễ vật tại khuôn viên tháp Pô Klong Garai. |
Theo ông La Văn Điểm, Trưởng ban tổ chức lễ hội Katê, lễ hội năm nay diễn ra trong không khí thuận lợi. Từ ngày 1-10 bà con đã tập trung về sân vận động xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) để cùng nhau múa hát ăn mừng.
Lễ hội Katê có nguồn gốc từ tín ngưỡng Bà La Môn, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa cổ đại. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa mà còn là dịp để cộng đồng người Chăm sum họp, giao lưu và khẳng định bản sắc dân tộc. Nghi lễ rước y trang Pô Inư Nưgar là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội. Y trang được làm bằng chất liệu lụa, thêu họa tiết tinh xảo, tượng trưng cho thần Mẹ xứ sở. Nghi lễ rước y trang diễn ra trong không khí trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính của người Chăm đối với thần linh.
|
|
Thiếu nữ Chăm trong điệu múa truyền thống. |
|
|
Đông đảo du khách thập phương về tham quan, trải nghiệm Lễ hội Katê 2024 tại Ninh Thuận.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Lễ hội Katê là dịp đẩy mạnh quảng bá giá trị văn hóa, du lịch của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm về các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm trong dịp diễn ra lễ hội. Lễ hội Katê không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là cầu nối gắn kết các thế hệ người Chăm. Qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống được truyền lại cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc”.
Tin, ảnh: DUY HIỂN - DUY QUANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.