Yêu cây đàn tranh như hơi thở, cuộc sống của mình
Nếu để hình dung người phụ nữ Hà thành thời xưa với sự xinh đẹp, dịu dàng, tinh tế, sâu sắc, thanh lịch, tôi thường liên tưởng đến Đoàn Phương Anh. Chị yêu cây đàn tranh như hơi thở, cuộc sống của mình vậy. Khi đồng hành cùng đàn tranh, Phương Anh thấy mình được sống với bản ngã của mình. Đi đâu, làm gì, chị cũng cố gắng lan tỏa tình yêu của cây đàn này với mọi người. Bởi, chị quan niệm trong thời buổi hiện nay, chỉ cần thêm một người yêu cây đàn dân tộc đã là quý lắm rồi.
9 tuổi, Phương Anh bắt đầu đến với cây đàn tranh qua sự hối thúc, động viên của nhạc sĩ Thao Giang. Rồi từ biết bao bỡ ngỡ, lạ lẫm, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng chỉ 10 năm sau đó, chị đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch” lần thứ nhất năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Sau đó, chị tiếp tục phát triển tài năng và giành được nhiều thành tích nổi bật, như: Huy chương vàng (tập thể), Huy chương bạc (tập thể) tại Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017; giải Nhất tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020…
Nghệ sĩ Đoàn Phương Anh cho biết, cây đàn tranh có thể mô phỏng được tiếng nước chảy, tiếng gió, tiếng chim hót… nhưng để thể hiện được âm thanh tuyệt diệu ấy, đòi hỏi người chơi phải giữ cho mình một tâm hồn sáng trong, phải dành toàn bộ tình yêu và tâm trí với nó. Bởi thế, chị luôn cố gắng giữ sự “tĩnh” trong tâm hồn. Chị thích làm việc thiện, thích giúp đỡ những người khó khăn và sống thư thái, bằng lòng với những gì mình đang có.
|
|
Nghệ sĩ Đoàn Phương Anh. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Từng tham gia hàng trăm cuộc buổi biểu diễn ở trong nước và quốc tế, nghệ sĩ Đoàn Phương Anh thấy, rất nhiều người khi nghe chị chơi đàn đã thay đổi nhận thức về nhạc cụ dân tộc. Nó không khô khan, học thuật mà trái lại rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Theo chị, hiện nay nhiều người ít có cơ hội được tiếp xúc với đàn tranh và vì thế ngoài việc biểu diễn trên sân khấu, chị cũng thường xuyên đăng tải lên kênh YouTube của mình những tiết mục mà chị ưng ý. Chị muốn thông qua mạng xã hội, mang đến cho khán giả một thứ âm nhạc sang trọng nhưng lại vô cùng gần gũi, mang được đầy đủ tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam.
Người giảng viên dạy bằng trái tim
Công việc chính của Phương Anh vẫn là giảng dạy và đây cũng là công việc chị vô cùng yêu thích. Qua mỗi buổi học, mỗi kỳ học, thấy các em tiến bộ, có thể tự tin chơi các bản nhạc theo cấp độ từ dễ đến phức tạp khiến chị rất đỗi hạnh phúc. Thế nhưng, công việc “chở đò” và nhất là ở bộ môn đàn tranh chưa khi nào là dễ dàng cả bởi đó là quá trình dài lâu, tốn nhiều công sức, trí tuệ, cần sự bền bỉ, nhiệt huyết từ hai phía: Thầy cô và học trò. Bởi thế, chị đã đúc kết được chân lý trong giảng dạy: “Những thầy cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở”.
|
|
Nghệ sĩ Đoàn Phương Anh say sưa truyền dạy cho học trò. Ảnh: NVCC |
Nếu như công việc biểu diễn cần sự năng động, đôi khi là sự phá cách thì công việc giảng dạy mang đến cho chị sự tĩnh lặng, đôi khi trầm xuống. Chị đã phải cân bằng hai công việc này để phát triển hoàn thiện bản thân. Giờ thì đã hơn 20 năm gắn bó với cây đàn tranh, cô gái nhỏ nhắn ngày nào đã trở thành một giảng viên đại học. Nhìn những lứa học trò hiện nay, Phương Anh lại mường tượng ra chính bản thân mình trước đây, với niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ tiếp bước trong việc lan tỏa tiếng đàn dân tộc.
Thổ lộ về dự định sắp tới, nghệ sĩ Phương Anh cho biết: “Kiến thức trong đàn tranh nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung là vô cùng rộng lớn, bởi vậy, tôi sẽ cố gắng thu nạp thật nhiều kiến thức từ trong sách vở lẫn thực tế đời sống. Tôi muốn tiếng đàn tranh sẽ là người bạn của mọi nhà, sẽ là “quãng nghỉ” trong tâm hồn mỗi người”.
Một trong những giảng viên có ảnh hưởng lớn đến con đường âm nhạc của Phương Anh là Thạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Ngô Bích Vượng (nguyên Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Cô giáo Bích Vượng là người đã dạy Phương Anh những nốt nhạc đầu tiên và cũng là tác giả của tác phẩm “Cảm xúc Tây Nguyên” mà chị thể hiện tại Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch” lần thứ nhất năm 2012 – đây cũng là cuộc thi đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của chị.
Là người hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho nghệ sĩ Phương Anh, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành, nguyên giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định: “Phương Anh sở hữu tiếng đàn tranh đẹp, truyền cảm và rất có hình ảnh. Có lẽ được sinh ra trong một gia đình ở phố cổ Hà Nội đã chị những tố chất cần có của một nghệ sĩ đàn dân tộc. Không chịu đứng yên một chỗ, Phương Anh luôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để tiếng đàn luôn có sự mới mẻ, đầy ắp hơi thở của cuộc sống đương đại. Đó chính là cách mà Phương Anh muốn “giữ chân” khán giả trong một xã hội mà nhiều loại hình âm nhạc phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay”.
NGÔ KHIÊM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.