Không gian xung quanh lắng lại, im ắng. Thế rồi tiếng trẻ vang lên rành rẽ: “Hai ngón tay cộng ba ngón tay bằng năm ngón tay”. Bàn tay đương nắm lại bỗng xòe ra những ngón xinh xinh theo tiếng đọc. Cậu bé reo lên khi tìm ra kết quả từ đôi bàn tay mình. Mỗi lần như vậy, con ngước mắt nhìn tôi như đợi chờ một điều gì đó. Tôi khen con đếm đúng rồi động viên cố gắng làm tốt hơn. Cậu bé nhoẻn miệng cười rồi lại chắm chúi vào những hình ảnh trong cuốn sách nhỏ. Nhìn con xòe tay tập đếm, tôi chợt nhớ đến những que tính bằng tre từ ngày thơ bé.

Bộ que tính thời nay. Ảnh minh họa: Internet. 

Ai cũng có tuổi thơ. Dẫu mỗi thời mỗi khác nhưng tâm hồn trẻ thơ thì vẫn vậy, non nớt, thơ ngây trước trang giấy trắng và “trang sách” cuộc đời. Những gì thuộc về cái thuở ban đầu ấy dẫu đã xa nhưng vẫn đủ sức gợi lại. Dù đó là những gì rất bình dị, giản đơn. Que tính ư? Quả nhiên là giản dị rồi. Nó đơn sơ đến mức không màu mè, tô vẽ. Nó mộc mạc chẳng cần chạm khắc cầu kỳ. Bố vót cho tôi những que tính vào một chiều mưa ngâu. Những cơn mưa nối tiếp nhau như giữ chân người ở lại trong nhà. Người nhà quê vốn hay làm, ngồi lâu buồn chân buồn tay. Sẵn tre trên gác bếp, bố lấy xuống cưa mấy khúc. Tre già ám khói rắn đinh, chắc nịch. Thứ tre ấy vẫn dùng để làm cán cuốc, đòn khiêng. Dao chẻ dọc thớ, tre kêu răng rắc. Bố tỉ mẩn vót từng chiếc một. Đôi bàn tay nhằng nhịt vết xước làm ra những que tính thon dài, nhẵn bóng.

Tôi hào hứng đón món quà của bố cũng vào buổi tối mưa đầy trời, gió ù ù như cối xay lúa. Điện tắt, căn nhà lờ mờ trong thứ ánh sáng đèn dầu, mùi khói khen khét. Tôi ngồi trên phản, bố dạy cách sử dụng que tính. Mười que cũng giống mười ngón tay xinh. Phép cộng thì lấy thêm, phép trừ thì bỏ bớt. Chưa hết, que tính còn dùng để xếp số, xếp hình. Tôi biết đến hình vuông, tam giác, chữ nhật cũng từ những que tính ấy. Hay hơn, chỉ cần thêm bớt một que là có hình mới, số mới. Cũng từ đó, tôi sáng tạo ra hình ngôi nhà, chiếc thang, ngôi sao... Những que tính biến hóa diệu kỳ. Tôi vui hơn khi những phép tính khó được “hóa giải” nhẹ nhàng nhờ có que tính. Bố đã gieo vào tâm hồn non nớt của tôi những con số, phép tính đầu tiên, nhân lên niềm yêu thích học tập.

Tôi giữ gìn cẩn thận những que tính ấy. Có lần tôi ngồi học ở đầu hè, gió mát hiu hiu như kéo đôi mắt khép lại, mơ màng bên trang vở mới. Khi choàng tỉnh dậy không thấy que tính đâu, tôi chạy tìm quanh. Ra ngoài ngõ thấy chị gái lấy mười que tính chơi chuyền, tôi đã lao vào giằng lấy những que tính rồi chạy một mạch về nhà mà không hay biết mắt chị ngân ngấn nước nhìn theo. Biết chuyện, tối đó bố kể lại câu chuyện bó đũa cho chị em tôi. Giọng bố chầm chậm nhắc nhớ bài học về tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Nghe chuyện, chị em tôi đã nắm tay nhau chìm vào giấc ngủ. Sau lần ấy, mỗi khi học xong, tôi đưa chị bộ que tính chơi chuyền. Thế rồi tôi thủ thỉ xin bố vót thêm một bộ nữa để chị có đồ chơi cùng bạn.

Những que tính dùng nhiều lần trở nên nhẵn bóng. Và tôi cũng thành thạo trong các phép tính. Cho đến ngày tôi không cần đến que tính nữa. Chúng nằm lại nơi góc tủ. Khi xây nhà mới, góc học tập nhỏ được sắp xếp lại. Những que tính chắc cũng được người lớn dọn đi. Giờ thì đồ dùng học tập chẳng thiếu gì. Que tính cho trẻ làm bằng nhựa đủ sắc màu đẹp đẽ. Tôi mừng vì con trẻ có điều kiện học tập tốt hơn. Còn những que tính bằng tre năm xưa, tôi cất sâu trong ký ức. Vật dụng ấy đã cùng tôi chập chững bước vào đời.

ĐỨC NAM