Giờ vàng của những "cú đêm"
Ngồi trong một quán cà phê mở 24/7 tại ngõ Văn Chương (quận Đống Đa, TP Hà Nội) vào lúc 1 giờ sáng, Nguyễn Khánh Linh, 23 tuổi, sinh viên năm cuối Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, vẫn đang cặm cụi chỉnh sửa đồ án tốt nghiệp của mình trên máy tính. “Đợt này tôi đang làm đồ án tốt nghiệp nên khá bận rộn. Ban ngày tôi đi học và làm thêm nên hầu như không có thời gian để chuẩn bị cho đồ án. Bởi vậy, tôi và bạn thường hẹn nhau ra quán cà phê để thức đêm làm bài. Không gian ở đây vừa yên tĩnh, lại có nhiều bạn cùng ngồi học nên tôi cảm thấy tập trung và có động lực hơn”, Khánh Linh chia sẻ.
Không chỉ riêng Khánh Linh, nhiều bạn trẻ cũng lựa chọn quán cà phê để học tập, làm việc qua đêm. Lê Thị Phương Anh, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, các quán cà phê đều có internet, bàn ghế... đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc. Chỉ với vài chục nghìn đồng tiền nước uống mà được ngồi thoải mái, không kể thời gian thì tôi nghĩ đó là chi tiêu khá hợp lý. Ngoài ra, vì tôi thuê trọ nên ra đây làm việc qua đêm như thế này để không làm ảnh hưởng đến bạn cùng phòng”.
Chị Nguyễn Lan Anh, nhân viên quán cà phê Amigos Cafe & Bistro (phường Lê Đại Hành, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết: “Gần đây, quán mở cửa 24/7 để đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc ban đêm của khách hàng. Quán được bố trí các bàn làm việc rộng rãi, có ổ cắm, đèn bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho những ai cần không gian yên tĩnh. Vào giai đoạn cao điểm như tốt nghiệp, lượng khách ban đêm tăng đáng kể. Từ khoảng 21 giờ, quán bắt đầu đông dần, chủ yếu là các bạn trẻ đến học nhóm hoặc làm việc. Thậm chí, có những hôm dù đã quá nửa đêm, quán vẫn chật kín chỗ...”.
 |
Dù đã gần 12 giờ đêm nhưng quán cà phê vẫn chật kín khách. |
Tác hại của việc thức đêm
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá, Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Hạnh, Chính ủy Bệnh viện Quân y 87 (Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật) cho biết: “Thức khuya thường xuyên khiến cơ thể phải hoạt động trái với nhịp sinh học tự nhiên. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Không chỉ vậy, thức đêm muộn sẽ kích thích hormone, trong đó có Cortisol, một dạng hormone tạo cảm giác thèm ăn, khiến chúng ta ăn nhiều hơn so với bình thường. Đây là lý do vì sao nhiều người thức khuya thường có xu hướng ăn đêm, dẫn đến nguy cơ tăng cân mất kiểm soát. Tăng Cortisol còn là nguyên nhân gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe như mụn trứng cá, đau dạ dày, tăng đường huyết, thậm chí có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Ở nữ giới, rối loạn nội tiết do thức khuya còn ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây mất cân bằng hormone".
Dù làm việc xuyên đêm tại các quán cà phê đang ngày càng phổ biến, nhưng điều quan trọng là phải biết cách cân bằng để không gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Thượng tá, bác sĩ Phạm Thị Hạnh khuyến nghị: “Mỗi người cần bảo đảm ngủ đủ giấc, lý tưởng là từ 7 đến 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nếu buộc phải thức khuya, nên chia nhỏ thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc liên tục trong nhiều giờ liền. Các giấc ngủ ngắn từ 30 đến 45 phút sau 2-3 tiếng đồng hồ làm việc có thể giúp cơ thể hồi phục và cải thiện hiệu suất làm việc”. Sinh viên Nguyễn Khánh Linh cũng chia sẻ: “Tôi thường đặt báo thức để nhắc nhở bản thân nghỉ ngơi sau mỗi 2 tiếng, đồng thời cũng cố gắng không thức quá 3 đêm liên tục để tránh kiệt sức”.
Nhiều người cho rằng với cường độ và áp lực công việc ngày càng cao, làm việc đêm sẽ dần trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi nhận ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhiều bạn trẻ sẽ dần điều chỉnh lại thói quen làm việc của mình. Quán cà phê ban đêm có thể là không gian lý tưởng để tập trung làm việc, nhưng điều quan trọng là phải biết nghỉ ngơi phù hợp, duy trì một lối sống lành mạnh, bảo đảm cân bằng giữa công việc, học tập và sức khỏe.
Bài và ảnh: VÂN HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.