Nằm khiêm tốn giữa vùng quê yên bình, làng Văn Trai Thượng lưu giữ một nghề truyền thống đặc biệt là làm hương (nhang), nơi những đôi tay khéo léo của người thợ thổi hồn vào từng que hương. 

Mời độc giả khám phá hành trình tỉ mỉ, công phu từ khâu chọn nguyên liệu, nhào trộn đến phơi khô, tạo nên hương thơm đặc trưng, đậm chất văn hóa của ngôi làng này qua ảnh. Những hình ảnh không chỉ ghi lại vẻ đẹp của nghề thủ công mà còn tôn vinh sự kiên trì và tâm huyết của những người thợ làng Văn Trai Thượng.

Người thợ làm hương làng Văn Trai Thượng khéo léo thực hiện động tác bắt hương - kỹ thuật quan trọng để tạo nên những que hương nhang đều đặn, loại hương quen thuộc trong đời sống thờ cúng và sinh hoạt hằng ngày của người dân. 

Trộn bột - Công đoạn quan trọng nhất, cần đến những đôi tay khéo léo của những người thợ lành nghề. Bột hương được làm từ thảo mộc có hương thơm tự nhiên như: Bột quế, thuốc bắc đại hoàng, hương nhu, xuyên hương, đan bì, đinh hương... Tất cả sẽ được tán nhỏ, trộn với bột keo bời lời để tạo độ kết dính hoàn hảo.  
Sau khi trộn, bột sẽ được đổ vào máy để nghiền thành các sợi kết dính với nhau. Nhờ máy móc, công đoạn này đã trở nên nhẹ nhàng hơn, không cần dùng quá nhiều sức để ép, thành quả cho ra đều và nhanh chóng.
Sau khi quấn hương thành các vòng, hương được thợ xếp lên các chành để mang đi phơi khô. Thông thường, chỉ cần qua một nắng, hương sẽ được thu lại và đem đi đóng bao bì.  
Trong điều kiện thời tiết mưa hoặc râm mát, không thể phơi các chành hương ngoài trời, người thợ sẽ đưa hương vào trong máy sấy. Nhờ máy móc hiện đại, thời tiết không còn là vấn đề quá lớn đối với những người thợ nơi đây. 
 
Vòng hương được xếp đều tăm tắp trên các chành tre, được phơi khô dưới ánh nắng. 
Sân rộng, đón nhiều ánh nắng mặt trời là nơi lý tưởng để các vòng hương được “tắm nắng". 
Khoảng sân rộng rãi tại xưởng sản xuất hương truyền thống Tuyết Trọng có thể chứa tới vài chục chành tre phơi hương. Màu hương vàng óng, phản chiếu ánh nắng trên bề mặt tạo nên một góc sân nên thơ.  
Những vòng hương khô được xếp lại và chuyển tới cho các nghệ nhân quấn chỉ đỏ. Lớp chỉ buộc giúp bảo đảm độ bền chắc của vòng hương, giữ cho các vòng đều và tròn, đồng thời giúp hương không bị gãy hay vỡ khi di chuyển hoặc bảo quản. Điều này cũng giúp duy trì hình dáng đẹp mắt của hương vòng trước khi đến tay người tiêu dùng. 
Hương thành phẩm được xếp gọn vào thùng xốp, sẵn sàng để tới xưởng đóng gói bao bì.  
Đóng gói bao bì hương là một bước quan trọng để bảo quản và nâng cao giá trị sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Mỗi nén hương sau khi được sấy khô và kiểm tra chất lượng sẽ được xếp gọn gàng, cẩn thận vào từng hộp hoặc túi chuyên dụng, giúp giữ được hương thơm tự nhiên và tránh ẩm mốc. Bao bì không chỉ bảo vệ hương khỏi các tác động từ môi trường bên ngoài mà còn tạo nên ấn tượng về mặt thẩm mỹ. 
Việc thiết kế bao bì đẹp mắt, mang đậm nét truyền thống góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của sản phẩm hương, đồng thời thu hút sự chú ý của khách hàng, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

PHAN TÚ THÙY DƯƠNG (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.