Thay đổi diện mạo trong sự hội tụ, lan tỏa
Phóng viên (PV): Là người đã gắn bó nhiều năm với hoạt động VHNT, nhất là trên cương vị quản lý, ông nhận định gì về vai trò của VHNT đối với sự phát triển của Thủ đô?
NSND Trần Quốc Chiêm: VHNT là bộ phận đặc biệt tinh tế của văn hóa, chúng ta luôn ý thức được tư tưởng cốt lõi đó để hướng mọi nhiệm vụ sáng tạo nghề nghiệp, phát huy, tạo dựng và bồi đắp nên bình diện văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngày càng văn minh, thanh lịch. Nhìn lại bước chuyển mình của Thủ đô trong suốt 70 năm qua có thể thấy rõ sự góp sức của đội ngũ văn nghệ sĩ.
 |
NSND Trần Quốc Chiêm. |
Đó là thành tích trong tìm tòi, tạo dựng các hình tượng nghệ thuật tinh hoa, các thế hệ từ truyền thống đến hiện tại được cải biên của các nghệ sĩ sân khấu và múa nghệ thuật qua tổ chức biểu diễn; là những đóng góp, phát hiện của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian theo từng lộ trình thời gian để bồi đắp di sản, củng cố giá trị văn hóa mang tính bản địa; những khẳng định và phản ánh đời sống, từng bước đổi mới, vượt lên trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội ở các cấp, các tổ chức xã hội và từng cá nhân trong tập thể qua tác phẩm văn học, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Nhiều ý tưởng được chắt lọc qua sáng tạo của các văn nghệ sĩ đã được thể hiện rõ trong các tác phẩm, công trình nghiên cứu, dự án triển lãm, chương trình biểu diễn nghệ thuật... Với riêng lĩnh vực kiến trúc, giới kiến trúc sư Thủ đô góp phần tích cực trong việc tạo dựng diện mạo kiến trúc thành phố theo hướng quy hoạch hiện đại hóa.
Đặc biệt, từ khi Hà Nội mở rộng, sáp nhập những vùng văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng với văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Thăng Long đã làm giàu thêm vốn văn hóa nghệ thuật cho Thủ đô. Những câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê (Đông Anh), chèo tàu (Đan Phượng), hát tuồng cổ (Chương Mỹ), hát trống quân Khánh Hà (Thường Tín), hát ví Hàm Rồng, hát dô Liệp Tuyết (Quốc Oai), múa rối nước (Thạch Thất)... đang trở thành nguồn lực dồi dào đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô.
Hà Nội luôn đánh giá cao vai trò của văn hóa, VHNT trong quá trình xây dựng và phát triển, đồng thời không ngừng quan tâm, tạo điều kiện để giới trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy vị trí, vai trò của mình trong sáng tạo.
 |
Cảnh trong Chương trình “Bài ca Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: VIỆT LAM
|
PV: Ông có đánh giá như thế nào về khuynh hướng sáng tạo văn hóa, VHNT của văn nghệ sĩ Thủ đô?
NSND Trần Quốc Chiêm: Những năm qua, nền VHNT Thủ đô không tách rời dòng chảy VHNT Việt Nam, đó là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”. Dù sáng tạo, sáng tác trên chất liệu truyền thống hay đổi mới, cách tân thì các tác phẩm vẫn luôn phản ánh chân thực cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân; sáng tác về đề tài lịch sử, chiến tranh hay cuộc sống đương đại, các tác giả đều đã dựa trên nền tảng mỹ học truyền thống để lý giải và tìm câu trả lời cho những vấn đề của dân tộc, nhân sinh, góp phần đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái lạc hậu, thấp hèn, vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội, mang đến cho cuộc sống những giá trị nhân văn tốt đẹp, trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm.
Bên cạnh đó, với nguồn nhân lực dồi dào, văn nghệ sĩ Thủ đô đã đẩy mạnh khuynh hướng cách tân; hình thức ngày càng được các tác giả, nhất là các tác giả trẻ tìm tòi, thể nghiệm, qua đó thể hiện sự nhạy bén với cái mới, tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới như là một đòi hỏi tất yếu của sự sáng tạo. Bước đầu sự tìm tòi, đổi mới đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định sự nhập cuộc và phát triển không ngừng của VHNT để mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới.
Tiềm năng và thách thức mới với văn nghệ sĩ
PV: Hiện nay, Thủ đô Hà Nội là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và đang triển khai các chương trình hoạt động theo cam kết. Theo ông, điều này sẽ tạo ra sự cộng hưởng thế nào đối với nỗ lực sáng tạo của văn nghệ sĩ Thủ đô?
NSND Trần Quốc Chiêm: Thành phố Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo trong số 7 nhóm lĩnh vực để lập hồ sơ trình UNESCO. Đây là lĩnh vực bao trùm, tạo động lực để nhiều lĩnh vực như: Thủ công, nghệ thuật dân gian, điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực, văn học... phát triển. Vậy nên, văn nghệ sĩ Thủ đô càng không thể đứng ngoài cuộc. Những mạch nguồn truyền thống sẽ được kế thừa, phát huy ra sao; những sáng tạo văn hóa sẽ được đắp bồi như thế nào để tạo nên hình ảnh mới hấp dẫn cho Thủ đô;... đó vừa là thử thách, vừa khuyến khích sự dấn thân và bản lĩnh sáng tạo của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ. Nhìn vào những không gian sáng tạo, hoạt động trình diễn, thực hành nghệ thuật hay những ý tưởng trong kiến trúc đô thị, ẩm thực, âm nhạc, nghề thủ công truyền thống đã và đang triển khai, có thể thấy tiềm năng sáng tạo và cả những thách thức đặt ra cho các văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ.
PV: Năm 2024 kỷ niệm tròn 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, cũng là 58 năm Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thành lập và đang đến gần đích 60 năm, vậy ông đặt kỳ vọng gì vào dấu ấn sáng tạo mới của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô?
NSND Trần Quốc Chiêm: Các sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội trong giai đoạn vừa qua đã bắt nhịp được với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động, tích cực. Trong đó, dễ nhận thấy tín hiệu mới của đời sống VHNT là khuynh hướng hiện đại hóa các phương thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới.
Tuy nhiên, gắn liền với khuynh hướng đó là sự phát triển khá mạnh, có phần xô bồ của các thể loại, các sản phẩm nghệ thuật mang tính thể nghiệm, biểu hiện rõ nhất trong văn học, âm nhạc trẻ, trong hội họa, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, trong múa hiện đại và sân khấu... Đó là đặc điểm mà những năm qua, chúng ta chưa lường hết và chưa dự báo đúng, có lúc, có nơi rơi vào thế bị động, chưa kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn đời sống văn nghệ.
Mặc dù số lượng tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng tăng, nhưng phải thừa nhận là chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng; chưa có nhiều tác phẩm vượt qua lối mòn và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới với tư duy đột phá mới. Hàm lượng chất xám trong các tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới... Mảng nghiên cứu, phê bình, lý luận VHNT chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc, việc thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác.
Cũng phải nói thêm, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng đã tổ chức một số cuộc vận động sáng tác về đề tài con người và cuộc sống hiện đại của Thủ đô và các đề tài nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tuy nhiên vẫn chưa thu về những tác phẩm có chất lượng cao như mong đợi. VHNT phải phát triển đồng bộ giữa các ngành và tương quan với sự phát triển kinh tế-xã hội, nên cần những cú hích từ cơ chế, chính sách trong tạo dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, nuôi dưỡng nhân tài... Từ đó, VHNT sẽ trở thành những mảnh ghép hoàn hảo cho nền công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VƯƠNG HÀ - VÂN HÀ (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.