Lực lượng an ninh SVĐ Vinh chỉ tập trung giải tán những cuộc ẩu đả chứ không đưa ra được giải pháp tổng thể về biện pháp bảo đảm ANTT trên sân . Ảnh: Minh Hoàng

Ngày 25-5 vừa qua đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như là một cột mốc đen tối, khi có một người dân Nghệ An bị thiệt mạng sau vụ loạn đả kinh hoàng giữa CĐV Nghệ An và CĐV Hải Phòng sau trận TCDK.SLNA-XM.HP.

Cho tới lúc này, vẫn chưa thể xác định chính xác nạn nhân xấu số thiệt mạng (anh Hà Huy Thành, sinh năm 1985, trú tại khối 5, phường Cửa Nam, TP Vinh) có phải là CĐV Nghệ An vừa từ sân Vinh ra hay chỉ vô tình băng qua đường vào thời điểm đó rồi bị xe ô tô chở CĐV Hải Phòng cán phải.

Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng phải thừa nhận rằng cái chết của anh Thành có nguyên nhân từ vụ loạn đả nói trên, vì nếu CĐV 2 đội không gây hấn với nhau thì xe chở CĐV Hải Phòng không đến nỗi phải lao ra khỏi cổng sân Vinh với tốc độ kinh hoàng rồi gây tai nạn như vậy.

Ngoài sự ra đi đau lòng của anh Thành, CĐV Nghệ An và Hải Phòng còn có rất nhiều người bị thương sau cuộc đụng độ, trong đó bên phía Hải Phòng bị thương nặng hơn do quá chênh lệch về tương quan lực lượng của 2 nhóm CĐV. Phải tới 7 giờ sáng qua (26-5), những chiếc xe đầu tiên chở CĐV Hải Phòng mới về tới sân Lạch Tray sau một hành trình “dông bão” từ Nghệ An trở về.

Mới chỉ cách đây hơn 1 tháng, sân Vinh cũng chứng kiến sự cố tương tự sau trận TCDK.SLNA - Thể Công, nhưng khi đó hậu quả sự việc không nghiêm trọng bằng lần này. Còn ngay trong tháng 5, CĐV Thể Công từ Hà Nội xuống Nam Định theo dõi trận ĐPM.NĐ-Thể Công cũng bị hàng nghìn CĐV quá khích của đội chủ nhà bao vây ở cửa sân Thiên Trường và họ còn bị tấn công rượt đuổi cho tới khi đi khỏi địa phận Nam Định.

Thế nhưng, vụ việc trên sân Thiên Trường lại bị BTC giải cho chìm xuồng vì lý do không thấy giám sát báo cáo (mà 2 giám sát làm việc ở trận đó lại là quan chức của LĐBĐ Việt Nam) và dĩ nhiên Ban kỷ luật cũng không có chứng cứ để xét xử. Nếu vụ việc trên sân Thiên Trường khi đó được BTC giải xử lý tới nơi tới chốn thì chắc chắn sẽ không có vụ loạn đả kinh hoàng vừa qua trên sân Vinh.

Trước khi diễn ra trận TCDK.SLNA-XM.HP, cộng đồng mạng đã có một dịp xôn xao bàn tán vì đây là cuộc chạm trán giữa 2 đội bóng có lực lượng CĐV máu mê nhất nhì miền Bắc. Trong những cuộc trò chuyện này, phần lớn đều có thái độ ôn hòa và đúng mực, nhưng cũng có một bộ phận CĐV quá khích đưa ra những tuyên bố và khẩu hiệu mang tính chất kích động.

Nhận thấy sức nóng của trận cầu này, phóng viên các báo ở Hà Nội đã kéo về Nghệ An rất đông để theo dõi, nhưng BTC giải thì lại không cử những người có trách nhiệm cao giám sát trận đấu. Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi ở đâu không rõ, còn Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường bận công du tận Tây Nguyên.

Và khi sự cố bùng phát, BTC sân Vinh một lần nữa đã bộc lộ sự yếu kém của mình khi xử lý không kiên quyết, thiếu triệt để, khiến tình hình trên sân trở nên hỗn loạn không thể kiểm soát nổi. So với BTC sân Thiên Trường, BTC sân Vinh đã không làm tốt việc “giải giáp” lực lượng CĐV địa phương đang sôi máu đòi tính sổ với CĐV đội khách, và khi xe ô tô chở CĐV Hải Phòng ra khỏi sân Vinh trong tình trạng không an toàn thì tai nạn đau lòng đã xảy ra.

Theo cáo buộc của các CĐV Nghệ An, CĐV Hải Phòng đã chuẩn bị đầy đủ hung khí và tấn công cả người đi đường khi xe dừng ở đèn đỏ, nhưng một số CĐV Hải Phòng lại cho biết họ chỉ tự vệ khi bị các CĐV Nghệ An đuổi theo tấn công và cuộc rượt đuổi này còn kéo dài ngay cả khi xe chở CĐV Hải Phòng đã qua khỏi TP Vinh.

Không rõ thực hư, đúng sai thế nào, nhưng chỉ biết rằng cả BTC sân Vinh lẫn BTC giải đều chịu trách nhiệm lớn nhất khi để xảy ra sự cố này. Họ đã không rút ra được bài học kinh nghiệm cần thiết và cũng không phản ứng nhanh chóng, kịp thời khi xảy ra sự cố để dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Những vụ việc như thế này không chỉ mang đau thương tới gia đình nạn nhân nói riêng và xã hội nói chung mà sẽ còn làm tổn hại hình ảnh của bóng đá VN, nhất là khi chúng ta muốn xin vận động đăng cai những giải đấu uy tín.

Hoài Anh

* Ở một số thời điểm nóng xung quanh sự cố sân Vinh, lực lượng an ninh có lúc được tăng cường lên đến 500 người, nhưng hậu quả của cuộc hỗn chiến vẫn hết sức nghiêm trọng. Theo thống kê sơ bộ, ngoài nạn nhân là anh Hà Huy Thành đã chết, còn có 28 người bị thương (22 CĐV Hải Phòng, 6 CĐV Nghệ An). Hàng trăm người đánh nhau trên SVĐ, ngay trước mặt công an mà không ai bị bắt giữ. Thật khó mà không đặt dấu hỏi về năng lực và hiệu quả của lực lượng an ninh.

Ngày 26-5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu BTC sân Vinh làm bản kiểm điểm báo cáo sự việc. Công an thành phố Vinh và BTC sân Vinh đã cử người ra Hải Phòng để thống kê thiệt hại của đội bóng và CĐV Hải Phòng, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân gây ra tai nạn chết người của chiếc xe chở CĐV.

Hoàng Hảo (từ Nghệ An)

* Phía Hải Phòng bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Tin từ CLB XM.HP cho biết, xe chở đội bóng bị đập tan tành hiện vẫn để lại Nghệ An, còn xe chở CĐV đã vỡ hết kính, một số lái xe bị chấn thương. Tính sơ bộ thiệt hại khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Đỗ Hân (từ Hải Phòng)
Hay chăng tạm dừng cuộc chơi này

Vụ bạo loạn trên sân Vinh chiều 25-5. Ảnh theo internet

Không phải lần đầu tiên, một sân vận động ở Việt Nam náo loạn vì bóng đá. Trước đây, từng có những vụ ẩu đả, lộn xộn kéo dài trên các sân Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai… và ngay tháng trước, cổ động viên 2 đội Thể Công và Sông Lam Nghệ An lại “quyết chiến” trên sân vận động Vinh. Vậy mà chủ nhật rồi, trên sân Vinh đã xảy ra điều chưa từng thấy ở Việt Nam: hàng ngàn cổ động viên nhà ùa từ các khán đài xuống sân để đánh nhau với cổ động viên khách đến từ Hải Phòng, cảnh đổ máu kéo dài hơn 2 giờ trong sự bất lực của Ban tổ chức địa phương và sự thiếu trách nhiệm của Ban tổ chức giải và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Bi kịch hơn hết là dẫn đến cái chết của một cổ động viên xứ Nghệ khi bị xe của khách cán do lái xe bỏ chạy trước sự tấn công của cổ động viên nhà…

Rõ ràng, không thể nói khác khi quy trách nhiệm về những người tổ chức giải.

Trước hết là Ban tổ chức địa phương. Dù được cảnh báo, dù tháng trước, họ đã bị phạt đến 20 triệu đồng và ngừng việc tổ chức 2 trận đấu trên sân Vinh, sự sơ khoáng và lơ là khi thấy dấu hiệu lộn xộn xuất hiện vẫn là đặc điểm cố hữu của sân Vinh. Đến khi có quá nhiều người lao xuống đánh nhau rồi thì Ban tổ chức địa phương mới ngớ ra, cầm loa kêu gọi?!

Không thể lấy một lý do “cùn”, rằng bây giờ, người Việt mình ưa sinh sự, trên đường phố, nơi công sở, nhất là sân bãi, để đánh bùn sang ao và trốn tránh trách nhiệm. Đã mấy ai quên cục gạch to làm bể đầu cầu thủ Minh Tiến của Thể Công ngày nào ở trên mặt sân này? Và còn biết bao nhiêu những vụ việc khác làm hoen ố bóng đá…

Cùng với Ban tổ chức địa phương là Ban tổ chức giải và VFF. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng, song VFF dường như vẫn bỏ ngoài tai, thậm chí một tờ báo sáng nay đã đăng trả lời của ông Trưởng ban kỷ luật của VFF, theo đó thì “không có gì quá nghiêm trọng”! Thưa ông “Trưởng”, đã đến mức hàng mấy chục người bị vỡ đầu và có cả một người thiệt mạng vì bóng đá mà ông vẫn bảo chưa nghiêm trọng thì đến khi nào mới là nghiêm trọng? Nói khác đi, bao giờ thì các vị mới ra tay để lập lại kỷ cương, trước tiên là sự an toàn tối thiểu cho bóng đá, sau đó mới đến thứ văn hóa sân cỏ đang có cơ mất dần trên các sân bãi Việt Nam?

Cảnh tượng kinh hoàng của việc vỡ sân khiến dư luận bức xúc, đã có những lời băn khoăn muốn được trình lên Thủ tướng Chính phủ: Liệu với cách điều hành bóng đá như thế này, có nên để giải chuyên nghiệp tiếp tục diễn ra nữa không? Nói rộng hơn, vì sao mà đã trải qua từng ấy bài học, từng ấy vết đau mà VFF vẫn bình chân như vại?

NGUYỄN LƯU

Không còn là chuyện riêng của bóng đá

Như chúng tôi đã đưa tin, bạo lực trên khán đài sân Vinh sau trận đấu chiều 25-5, giữa Sông Lam Nghệ An và Xi măng Hải Phòng không chỉ dừng lại ở việc hàng chục người bị thương mà có cả một cổ động viên Tài chính dầu khí Sông Lam Nghệ An bị ô tô chở cổ động viên Hải Phòng trên đường rút chạy cán chết. Đây không còn là một tai nạn đơn thuần của bóng đá Việt Nam mà là một tai họa làm nhức nhối xã hội.

Nguyên nhân chính, theo chúng tôi, trước hết là do địa phương đã xem nhẹ công tác bảo đảm trật tự an toàn cho trận đấu. Biết bao sự cố từng xảy ra trên sân Vinh, vậy mà ở trận "nóng" này Ban tổ chức địa phương chỉ điều động có 120 cảnh sát, bảo vệ; Liên đoàn bóng đá Việt Nam thiếu kiên quyết khi giải quyết các sự cố xảy ra trước đó (các hình phạt cơ bản còn đơn giản, nương nhẹ). Và quan trọng nhất là VFF thường đặt mình ở vị trí chỉ đạo, quan sát, chứ chưa bao giờ nghĩ mình là người chung vai sát cánh cùng các CLB, Ban tổ chức địa phương.

Một thực tế là từ trước tới nay các thành viên của Ban tổ chức giải (giám sát trận đấu, giám sát trọng tài) lại nhận tiền ăn, ở, đi lại từ Ban tổ chức địa phương. Đây chỉ là một vấn đề nhỏ, nhưng có thể cũng gây khó nghĩ, khó xử cho chính các giám sát. Đã từ lâu bóng đá là một bộ phận của đời sống xã hội chứ không còn của riêng VFF, nhưng cách làm của VFF lại cứ tự bó mình. Thử hỏi, không có xã hội hóa thì đâu có những CLB như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An. Việc xã hội hóa ở VFF hầu như chỉ xoay quanh việc tìm tài trợ, tổ chức những giải đấu, xây dựng thương hiệu... còn nhiều việc khác thường được giao phó.

Một vấn đề không nhỏ nữa là các địa phương có CLB bóng đá dự V.League và giải hạng nhất cũng thường giao phó cho ngành TDTT, nếu một ai đó có tên trong ban tổ chức địa phương (trừ công an, trật tự) cũng chỉ để lấy tiếng mà thôi!

Sự cố trên sân Vinh sau trận đấu Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An-Xi măng Hải phòng cần được các cơ quan chức năng phân tích mổ sẻ, sớm kết luận thậm chí khởi tố vụ án. Song nếu chưa có được những giải pháp cụ thể, hữu hiệu nên tạm dừng tổ chức các trận bóng đá ở V.League. Bởi nếu không bóng đá sẽ làm mất an ninh trật tự gây náo loạn đời sống xã hội và gây nguy hiểm cho cuộc sống bình an.

MINH LÝ

Không được để xảy ra “vụ sân Vinh...” nào nữa!

Bàng hoàng và đau xót, là tâm trạng của hàng triệu người yêu bóng đá khi thấy chiều 25-5 lại có ẩu đả giữa các cổ động viên (CĐV) ở sân Vinh (Nghệ An). Hàng chục CĐV bị chấn thương và một người đã tử vong, bởi hàng loạt gạch, đá ném... và đánh nhau rất hỗn loạn. Ở sân này, đã vài lần đụng độ giữa các CĐV mấy năm qua và ở mùa giải VĐQG 2008 này, sân Lạch Tray (Hải Phòng) cũng đôi bận làm xấu vẻ đẹp của bóng đá chân chính.

Song, các lần ấy (cả ở sân Thanh Hóa, sân QK7 ở mùa giải 2007 và ngay trên sân Vinh cách đây hơn một tháng) vẫn chưa được các giới chức liên quan trực tiếp lưu tâm tới mức cần có. Để chiều 25-5 sân Vinh đổ máu.

Sẽ không thể có đau xót này, nếu ngay từ mỗi CLB cổ động viên quản chặt các thành viên. Để, sẽ không ai được mang gậy-bùi nhùi, pháo sáng... khi đi cổ vũ.

Sẽ không đau vậy, nếu từ dự báo, thấy hơn 25 xe chở gần 1.000 CĐV từ Hải Phòng đến, BTC trận đấu cùng công an sở tại có thêm các biện pháp ngăn chặn từ xa tới gần.

Và, sẽ không có những vụ ẩu đả nếu các cơ quan an ninh quyết liệt hơn trong chặn phá các ổ cá cược, làm giảm sự cay cú vì thua độ dẫn tới đánh đấm kẻ khác.

Sẽ không, nếu BTC giải có kỷ luật thích đáng hơn ở mỗi vụ trước đó. Với “vụ sân Vinh” này, cần có công an sớm cùng truy tìm nguyên nhân-thủ phạm khởi sự... để truy tố trước pháp luật.

Tình yêu bóng đá không được phép thể hiện bằng gây hấn, ẩu đả! Vì an ninh xã hội, không được để xảy ra thêm “vụ sân Vinh” nào nữa.

NGUYỄN QUANG VINH

BTC giải nhận trách nhiệm !

“BTC giải xin nhận khuyết điểm. Thực sự không ai ngờ có khán đài nào lại có khán giả ném đá từ ngoài vào trong được. Thực sự là chưa bao giờ có!” – Trưởng BTC V-League 2008 Dương Nghiệp Khôi khẳng định khi nói về sự cố sân Vinh.

Một cuộc họp khẩn cấp giữa BTC V-League 2008 và các bộ phận liên quan đã diễn ra chiều 26-5. Ngay sau cuộc họp là buổi gặp mặt báo giới. Nhắc đến sự cố đau lòng khiến 1 CĐV Nghệ An bị thiệt mạng, ông Khôi bày tỏ: “Xin cho tôi được xin lỗi người hâm mộ, xin lỗi các thành viên trong BTC”.

Nhưng khi nhận được khá nhiều câu hỏi về trách nhiệm cá nhân, về việc bản thân có nghĩ đến chuyện từ chức sau sự cố này không, ông trưởng giải trả lời: “Là người được tổ chức phân công, nếu VFF thấy tôi có khuyết điểm, tôi sẵn sàng nhận kỷ luật”, rồi sau, lại than rằng, “làm bóng đá thật là khó, khó lắm…”.

Rạch ròi sự cố trong sân, ngoài sân

Ban chỉ đạo giải 6 người, gồm Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, 3 phó chủ tịch, 1 TTK, 1 đại diện truyền thông, nhưng rốt cuộc, chỉ có ông Nguyễn Lân Trung là đại diện duy nhất trong số đó sát cánh cùng trưởng giải Dương Nghiệp Khôi trực tiếp trả lời báo giới. Ông Trung vào đề: “Cần phân biệt rõ sự vụ bạo động xảy ra trong sân, còn tai nạn thương tâm khiến 1 CĐV thiệt mạng xảy ra trên đường phố. Hiện nay, cơ quan điều tra đang vào cuộc để làm rõ nguyên nhân tai nạn dẫn đến thương vong. VFF chưa có kết luận từ cơ quan điều tra nên chưa nói gì được”.

Bố trí 120 cán bộ an ninh cho trận đấu, nhiều hay ít?

Ông Trung cho rằng việc BTC sân bố trí 120 cán bộ công an ở những khu vực có nguy cơ trong sân “không phải là ít”. Nhưng sự cố đã xảy ra, vì mấy lẽ. Thứ nhất, BTC sân Vinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng ném đá từ bên ngoài, phía sau khán đài C vào bên trong khán đài. Lực lượng an ninh không mỏng, nhưng không có những biện pháp hữu hiệu, để khán giả Nghệ An từ khán đài A và B tràn xuống sân xô xát với CĐV Hải Phòng. Tiểu ban Kỷ luật đang tổng hợp dữ liệu để xem xét xử phạt BTC sân Vinh theo quy chế, ví như không cho thi đấu trên sân Vinh, đình lại việc tổ chức các giải đấu dự kiến trên sân này từ nay đến cuối năm như VCK U13, U15, U21 báo Thanh Niên. Có điều, CĐV Hải Phòng cũng phải chịu trách nhiệm là phía khơi mào vi phạm khi đốt pháo sáng trên sân Vinh, ném đá lại, tham gia đánh nhau…

Sau rốt, ông Trung thừa nhận: “Khuyết điểm của BTC sân, cũng là khuyết điểm của BTC giải, đó là chưa có biện pháp đủ mạnh, triệt để”. Và rằng, “lực lượng an ninh trên sân đông nhưng các biện pháp đưa ra lại không hiệu quả, phương pháp thực hiện không tốt…”.

Nhưng thế nào là biện pháp đủ mạnh? Theo ông Trung, với những vụ việc bạo loạn sân cỏ trước đây, dù mức phạt nặng hơn cũng “chưa chắc đã không xảy ra chuyện, chừng nào không có giải pháp đồng bộ”. Còn ông Khôi lại nhấn mạnh đến trách nhiệm của BTC địa phương, đặc biệt là khâu phối hợp với cơ quan an ninh địa phương.

Có điều, việc ông Khôi thừa nhận là rất bất ngờ với việc khán giả có thể ném đá từ bên ngoài vào khán đài C (do khán đài quá thấp) cho thấy vai trò giám sát của BTC giải đối với khâu kiểm tra thực địa, bảo đảm an ninh trận đấu là rất mờ nhạt.

Hiện đang xuất hiện nghi vấn về sự chuẩn bị sẵn gạch đá ở khu vực phía sau khán đài C từ trước, bởi “không thể ngay lập tức có nhiều gạch đá đến vậy”. Cơ quan công an đang điều tra, và dấu hỏi về khâu kiểm tra an ninh trước trận đấu lại một lần nữa được đặt ra.

Rất nhiều biện luận, giải thích, nhưng không thể che giấu sự thật là bạo lực sân cỏ ngày một tăng nặng ở mức độ trầm trọng hơn, và VFF, cũng như BTC giải đang ngày càng thiếu những biện pháp cụ thể, hữu hiệu. Buổi gặp mặt báo giới kết thúc buồn bã với lời tự sự của ông Khôi, rằng “có lẽ phải tạo cơ chế làm việc “như thế nào đó”, nếu không rất khó cho người đứng đầu”! Rằng “cần sự đồng bộ giữa CLB, BTC địa phương và BTC giải”…

Không chối bỏ trách nhiệm, nhưng quy trách nhiệm, nhận trách nhiệm như thế nào, hẳn cũng chẳng dễ dàng với người trong cuộc!

Thu Minh

Theo: HNM