Đang trên đường đi công tác cùng đoàn của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng dự Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ tại khu vực ngã ba biên giới Leng Su Xìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam thảng thốt gọi điện báo, NSƯT đạo diễn Lê Dân đã từ trần.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn khi nhắc đến một trong những vị đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam: "Đạo diễn Lê Dân là một trong những người làm điện ảnh mẫu mực của điện ảnh nước nhà. Sau thời gian học làm điện ảnh bài bản ở Pháp, trong cách làm điện ảnh của ông đã lĩnh hội và thấm nhuần tư tưởng của một đất nước có bề dày về văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng. Do đó mà trong những tác phẩm điện ảnh của ông thực hiện sau những năm đất nước thống nhất, đổi mới có hơi thở bắt kịp với nền điện ảnh quốc tế. Dù là một đạo diễn nhưng tính cách của người NSƯT rất nhẹ nhàng, lịch lãm. Ở nhiều giai đoạn của nền điện ảnh nước nhà, ông luôn sáng tạo để đưa đến công chúng những tác phẩm điện ảnh mang đậm màu sắc dân tộc. Ngay cả khi ông yếu, đi lại phải có người đỡ, nhưng đạo diễn Lê Dân vẫn giữ lòng nhiệt huyết, đam mê ra tận trường quay để chỉ đạo làm phim. Ông là tấm gương để những người làm điện ảnh chúng tôi noi theo, và chắc chắn, sức sáng tạo, niềm đam mê vì một nền điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập, giàu bản sắc mà đạo diễn Lê Dân luôn hướng tới sẽ truyền mãi đến các thế hệ sau".
Đạo diễn Lê Dân (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn làm phim “Những bức thư từ Sơn Mỹ” tại Liên hoan phim Cannes 2011. Ảnh tư liệu.
Sinh năm 1928 trong một gia đình trí thức ở Tây Ninh, niềm đam mê điện ảnh của NSƯT Lê Dân (tên thật là Lê Hữu Phước) khởi nguồn từ lần ông tham dự Liên hoan phim Cannes năm 1950 khi đang du học ngành Luật tại Pháp. Sau lần đó, ông ghi danh tại Học viện Cao đẳng Nghệ thuật và Viện Nghiên cứu Điện ảnh Paris. Trở về từ Pháp, công chúng Sài Gòn những năm trước 1975 đón nhận ông với nghệ danh Lê Dân cùng những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: "Loan mắt nhung", "Hồi chuông Thiên Mụ", "Tình Lan và Điệp"; sau ngày đất nước thống nhất tên tuổi của Lê Dân gắn với những bộ phim "Dòng sông mơ ước", "Ông cố vấn"...
Hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, thử sức với nhiều dạng đề tài, tên tuổi của Lê Dân ghi dấu với người làm nghề và công chúng. Ngoài bằng chứng nhận là đạo diễn có nhiều phim tham gia các liên hoan quốc tế nhất, đạo diễn Lê Dân còn thành công ở nước nhà với hàng loạt giải thưởng: Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983 cho phim "Pho tượng"; Bông sen bạc LHP lần thứ 10 năm 1993 và Giải A Hội điện ảnh Việt Nam năm 1994 cho phim "Xương rồng đen". Năm 1995, đạo diễn Lê Dân làm phim "Người con gái đất đỏ", kể về cuộc đời nữ anh hùng Võ Thị Sáu (Thanh Thúy đóng vai chính) gây dấu ấn trong giới chuyên môn và công chúng. Ông còn là người giúp tạo dựng những tên tuổi màn bạc như: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Huỳnh Thanh Trà, Túy Hồng, Băng Châu (trước 1975) và sau này là Diễm My, Việt Trinh...
Năm 2010, lúc này đã ở tuổi 82, sức dù đã yếu, nhưng đạo diễn Lê Dân vẫn tự bỏ ra hơn 8 tỷ đồng để làm phim "Những bức thư từ Sơn Mỹ" để tham dự Liên hoan phim Cannes 2011. Nội dung phim dựa trên hành trình sám hối có thật của cựu binh Mỹ William Calley, người từng tham gia chỉ huy cuộc thảm sát Mỹ Lai trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Trong suốt hành trình này, cựu binh Mỹ được chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất từng được coi là vùng đất chết trong chiến tranh. Ông cũng được chứng kiến niềm tin bất diệt và lòng vị tha của người dân mà chỉ mấy chục năm trước đó, họ còn coi ông là kẻ thù. Bằng những góc quay đậm chất nghệ thuật, bộ phim khép lại với một kết thúc đẹp và thấm đẫm chất nhân văn. Tuy không đoạt giải thưởng tại liên hoan nhưng không vì thế mà vị đạo diễn này buồn lòng, bởi mục đích lớn lao của ông làm bộ phim này là để phục vụ công chúng các địa phương trên toàn dải đất hình chữ S, còn một phần lợi nhuận thu được từ việc trình chiếu bộ phim này ông dành tặng cho các nạn nhân chất độc da cam.
VƯƠNG HÀ