Trước khi đến với nghề may, chị Phúc là giáo viên tiểu học của làng Xuân Dục, Yên Thường, Gia Lâm (Hà Nội). Ngoài chuyên môn, chị còn được mẹ với cô ruột dạy về nữ công gia chánh, may vá thêu thùa. Khi lập gia đình xa quê, chị quyết định xin làm công nhân may. Nhờ biết may vá từ trước nên chị nắm bắt công việc nhanh chóng. Xí nghiệp cử đi học thêm về kỹ thuật, chị học đâu được đấy, sớm thuần thục chuyên môn.

leftcenterrightdel
     Bà Trần Thị Hồng Phúc kể lại câu chuyện được gặp Bác Hồ. 

 Làm ở xưởng may được ít lâu thì chị sinh con trai Đỗ Quốc Hùng. Sau kỳ nghỉ sinh, chị đi làm trở lại. Do đặc thù công việc làm theo ca kíp nên chị đưa con đến phân xưởng trước giờ làm. Sáng 8-1-1959, biết tin Bác Hồ đến thăm xưởng may, mọi người hồ hởi chạy ra đón Bác. Bà Phúc kể lại: “Khi đó tôi đang ngồi ở phòng chờ thì nghe tiếng một chị gọi “Ra đón Bác Hồ đi Phúc ơi!”. Thế là tôi bế con chạy ào ra cổng chính. Nhưng ở cổng chính công nhân đã đứng rất đông, mình thì nhỏ bé chẳng thể chen ra được đành chạy về cổng phụ. May sao, Bác lại đi vào cổng phụ. Thấy tôi đứng sau, chị em bảo người “nấm lùn” ưu tiên đứng trước để đón Bác. Vừa lúc đó Bác đến. Thấy tôi đang bế con, Bác dừng lại xoa đầu con rồi căn dặn: “Cô nuôi con ngoan nhé!”. Nghe lời Bác, tôi xúc động quá không biết nói sao cứ ôm chặt con vào lòng mà thấy rưng rưng”.

Thế rồi Bác đến thăm các phân xưởng may. Cô công nhân Phúc cũng bế con đi theo. Mọi người trong xưởng kháo nhau con cô ấy vừa được Bác Hồ xoa đầu đấy. Bác đến Phân xưởng 2. Đứng trước máy may của chị Hường có cắm lá cờ xanh, Bác hỏi: “Sao mọi người có cờ đỏ mà cháu chỉ có cờ xanh?”. Chị Hường lễ phép thưa: “Dạ, cháu may còn yếu, năng suất chưa cao ạ!”. Bác vỗ vai rồi bảo gắng làm tốt hơn. Rồi Người còn căn dặn chị em công nhân trong xưởng may: “Lao động tốt, sản xuất tốt”. Tiếng vỗ tay lại ran lên.

Sau lần đón Bác, chị Phúc thấy vinh dự vì đi đâu cũng được chị em nhắc lại chuyện Bác Hồ xoa đầu con mình. Nhớ lời Người căn dặn, chị không quản vất vả dạy con chăm ngoan, học hành tấn tới. Thời kỳ khó khăn, chồng đi chiến đấu xa nhà, một mình chị vừa phụng dưỡng bố mẹ già, vừa chăm nuôi 4 người con thơ. Ban ngày, chị đến phân xưởng làm việc, tối về nuôi dạy con cái, thu vén công việc gia đình. Chị chẳng quản vất vả, hái rau, nấu cám, chăn nuôi lợn gà để có thêm thu nhập.

Trong sản xuất, chị Phúc luôn cố gắng thi đua với chị em trong phân xưởng lao động tốt, năng suất cao. Chị còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của đoàn thể, được tín nhiệm bầu là trưởng ban nữ công của xưởng may. Tận tình nuôi dạy con chu đáo nên 4 người con của chị đều chăm ngoan, học giỏi được tặng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.

Sau này cả 4 người con của bà Phúc đều thành đạt, là những cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Mỗi dịp đoàn tụ gia đình, bà Trần Thị Hồng Phúc kể lại câu chuyện được gặp Bác Hồ để nhắc nhở, răn dạy con cháu gắng tu dưỡng đạo đức, phấn đấu trở thành người công dân tốt.

Bài và ảnh: TÍN NGHĨA