Họ cho rằng thơ lục bát đã cũ kỹ, nên dành “đất” cho thơ tự do viết theo kiểu hiện đại, hậu hiện đại. Tôi quá ngạc nhiên về điều đó. Lục bát vốn là thể thơ quen thuộc, lâu đời, được coi như truyền thống của nền thi ca Việt Nam.
Lục bát làm nên kho tàng ca dao Việt, trong đó có những câu xứng đáng gọi là viên ngọc quý. Lục bát làm nên “Truyện Kiều” bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du. Lục bát gắn với tên tuổi Nguyễn Bính, Tố Hữu... và một số nhà thơ thế hệ sau này như Vương Trọng, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ... Tôi từng đọc thơ của nhiều bạn trẻ, trong số họ có người làm lục bát khá nhuyễn như Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thế Kiên... Tự tôi thấy, sức chuyển tải của lục bát vô cùng rộng lớn, không hề non lép, kém cạnh với bất cứ thể thơ nào.
 |
Chương trình Ngày thơ Việt Nam 2019. Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Xin được lấy “Truyện Kiều” để minh chứng điều đó. Khi tả cảnh, mấy ai viết giỏi như Nguyễn Du: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”. Diễn tả nội tâm cũng lắm câu hay như: “Bây giờ tỏ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”... Nói tới nỗi buồn thân phận cũng có nhiều câu xa xót làm sao: “Trông vời gạt lệ phân tay/ Góc trời thăm thẳm, đêm ngày đăm đăm”... Những câu thơ thế sự như thế này sẽ còn trĩu nặng muôn đời: “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”...
Chọn thể loại thơ là chọn cho điệu tâm hồn của người viết. Thơ tự do không phải là lối chọn duy nhất và chẳng phải bao giờ cũng có hiệu ứng cao. Tôi nghĩ, những người mỉa mai, bỉ bôi thơ lục bát, một là chưa hiểu công việc sáng tác thi ca; hai là sùng ngoại vô lối. Với những kẻ sùng ngoại cực đoan thì thơ ca truyền thống chỉ được so sánh với lối mòn tù đọng, tranh tre nứa lá không đáng theo đuổi lâu dài. Với họ, văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng cần phải “nhập khẩu” các trào lưu, phong cách sáng tác của nước ngoài vào mới “lớn” được.
Không ai phủ nhận sự giao lưu, kết nối, học hỏi lẫn nhau là xu hướng của thời đại hội nhập trên phạm vi toàn cầu. Nhưng hội nhập không phải là để chối bỏ truyền thống, coi thường bản sắc dân tộc, bắt chước, học đòi bên ngoài một cách hấp tấp, xô bồ, vá víu, thiếu xem xét, chọn lọc kỹ càng. Nền văn hóa Việt Nam, trong đó có văn học nghệ thuật phải mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cũng là quá trình gìn giữ, làm mới văn hóa truyền thống không ngừng.
Không phải tự nhiên mà trong bài phát biểu rất quan trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc bài thơ “Chân quê” của thi nhân Nguyễn Bính, trong đó có đoạn: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Một bài lục bát giản dị, truyền cảm rất nổi tiếng với nhiều thế hệ người Việt Nam từ phong trào Thơ mới đến nay. Thật tinh tế khi người đứng đầu Đảng ta đã dùng một bài thơ tình chân mộc, nhẹ nhàng để gửi gắm vào đó thông điệp quan trọng này: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Và tôi nghĩ đó cũng là cách để cảnh tỉnh những ai-trong đó có cả một số người sáng tác văn chương, thi ca-đã bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc mà thực chất của những biểu hiện đó, không thể nói khác được là vô văn hóa, phản văn hóa.
Lục bát là thể thơ phản ánh rõ nét nhất tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam và là di sản thi ca ý nghĩa nhất mà ông cha ta đã để lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Thế nên, ai đó dù vô tình hay hữu ý coi thường, dè bỉu thể loại thơ đậm đà bản sắc dân tộc này không chỉ đắc tội với tiền nhân, mà còn tự tay họ bôi nhọ lên chính khuôn mặt mình.
THANH KHÊ