Bởi hầu như đi đâu, đến chỗ nào, từ nơi công sở trang nghiêm đến vỉa hè trà đá, từ chốn đăng đàn quy tụ những bậc trí thức tài ba đến nơi chợ quê thôn dã đều có thể bắt gặp những người hoạt khẩu, “mồm năm miệng mười”, thích nói những vấn đề có vẻ thời thượng và thu hút được sự quan tâm, để ý của nhiều người, nhưng thực ra toàn là những lời sáo rỗng, “ăn theo nói leo”!

Cách đây mấy năm, một chuyên gia nghiên cứu lý thuyết tiếp thị hiện đại nổi tiếng trên thế giới khi đến Việt Nam đã nói rằng, với lợi thế của một nước nông nghiệp, giàu tiềm năng lương thực, thực phẩm và có khả năng chế biến nhiều món ăn ngon, “Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới”. Sau lời nói đó, trong rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm của ngành du lịch từ Trung ương đến địa phương, người ta coi đó là như là một “câu thần chú” nên ai cũng thao thao bất tuyệt về việc phải “làm gì, làm như thế nào” để biến Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”!

Cái thói “ăn theo nói leo” như một “thứ dịch” lây lan “hồn nhiên, vô tư” đến mức nhiều người nói cho sướng mồm, nói để thể hiện “ta là người hiểu biết”. Ví như khi một lãnh đạo cấp cao về thăm tỉnh có lời động viên “Xây dựng tỉnh ta vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh”; thế là sau đó, nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh về huyện, cán bộ lãnh đạo huyện xuống xã cũng bắt chước, nói lặp lại y nguyên: “Chúc huyện (xã) ta vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh”.

Cũng trong thời gian gần đây, hầu như ở vùng miền, địa phương nào, kể cả nông thôn, miền núi hay đô thị, người ta rất hay nghe những câu như: Phải ưu tiên đột phá vào lĩnh vực kinh tế; phải lấy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phải xác định hạt nhân (thành phố/tỉnh, thị xã/huyện, thị trấn/xã) là trọng điểm đầu tư để làm đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa sự phát triển cho cả vùng, cả địa bàn. Việc sử dụng, nói năng tràn lan những từ “ưu tiên đột phá”, “kinh tế mũi nhọn”, “đầu tàu dẫn dắt” khiến một chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm thẳng thắn: Không biết “đột phá” thì thành “đại phá”; xác định “mũi nhọn” không đúng thì thành “mũi tù”; chỗ nào cũng là “đầu tàu dẫn dắt” thì đầu tàu sẽ “chệch hướng, loạn đường” vì không biết kéo các “toa tàu” đi về đích nào?

Lại nhớ thời quan liêu bao cấp trước đây, nhiều nơi người ta giăng lên những khẩu hiệu với nội dung to tát, hoành tráng, nào là: “Quá khứ oanh liệt, hiện tại vẻ vang, tương lai rực rỡ”; “Quyết tâm thi đua tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”... Khẩu hiệu về thi đua nhiều đến mức dân gian đã chế ra câu thơ vè ngẫm vừa hài hước vừa chạnh lòng: “Thi đua ta quyết thi đua/ Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu rồi biết đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi!”.

Dân ta còn có câu châm ngôn “Ăn cơm ngô nói chuyện quốc tế” hàm ý chế giễu, chê bai những kẻ tỏ vẻ ta đây là người am hiểu thời cuộc, thích nói toàn những chuyện xa xôi, viển vông ở tận đẩu tận đâu, trong khi lại không quan tâm lo toan những điều thiết thực cho chính bản thân mình.

Tất cả biểu hiện nêu trên phần nào cho thấy, một bộ phận người Việt thời nay, đáng tiếc có cả nhiều quan chức trong bộ máy công quyền, vẫn chưa thoát khỏi tư duy tiểu nông, tâm lý nhà quê khi a dua, hùa theo xu hướng nhất thời, trào lưu nhất thời, câu nói nhất thời (dù có thể hay, ý nghĩa) nhưng lại không biết chọn lọc để thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng môi trường, hoàn cảnh giao tiếp. Thực chất, đó là căn bệnh khoa trương, khua môi múa mép, “ăn theo nói leo”, “thùng rỗng kêu to”. Thôi thì một người dân bình thường mắc cái tật này cũng không lo lắm. Chỉ quan ngại cho những quan chức nào “ăn cơm dân, hưởng lộc nước” mắc mà không chịu sửa!

DƯƠNG ANH