Sản phẩm dệt xong được mang ra triền đê giăng giăng phơi nắng. Làng nghề dệt Nhân Hòa cũng được hình thành nhờ những điều kiện tự nhiên như vậy.
Nghề dệt có ở Nhân Hòa (trước đây thôn Nhân Hòa là hai xóm Chung Mới và Giếng Dợ của làng Hòa Xá) có từ rất lâu đời. Tương truyền, tướng quân Nguyễn Đức Chính là người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân. Giang sơn thống nhất, ông giúp dân trên mảnh đất Nhân Hòa khai canh, khai cơ, cấy lúa, dệt vải. Tri ân công đức, người dân Nhân Hòa tôn thờ ông là Thành hoàng làng. Nghề dệt được người làng truyền đời bền bỉ. Thời Pháp thuộc, người thợ thủ công học được thêm kỹ thuật dệt màn của phương Tây, nghề dệt có cơ hội phát triển.
 |
Người thợ dệt làng Nhân Hòa bên khung cửi làm ra các sản phẩm dệt. |
Gặp khách, bà Lưu Thị Đàn, Trưởng thôn Nhân Hòa giới thiệu về khung dệt cổ trưng bày trong nhà truyền thống của địa phương. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, trên quê hương chiếc gậy Trường Sơn, thanh niên trai tráng hăng hái lên đường nhập ngũ, các bà các mẹ ở nhà cần mẫn ngồi bên khung cửi dệt vải xô cung cấp cho quân đội may màn chống muỗi. Thi đua với chiến trường, những khung cửi lách cách thâu đêm. Thời kỳ cao điểm, cả làng có 700 khung dệt, mỗi năm dệt được gần 20 triệu mét sản phẩm. Đến thời bao cấp, xã viên hợp tác xã dệt thủ công sản xuất theo đơn đặt hàng. Dù khi đó đời sống khó khăn, nhưng nghề vẫn được duy trì ổn định, bởi hợp tác xã đứng lên lo mọi khâu từ nguyên liệu đến đầu ra, người thợ dệt yên tâm sản xuất. Năm 1989, hợp tác xã dệt thủ công giải thể, các hộ xã viên mua lại máy dệt về sản xuất. Cũng từ đó nghề dệt ở Nhân Hòa bước vào giai đoạn khó khăn. Nguồn nguyên liệu khan hiếm, đầu ra chật vật. Nhiều thợ dệt phải chuyển sang cấy lúa, tìm nghề khác.
Nghề dệt truyền thống dẫu có lúc thăng lúc trầm nhưng vẫn có những người bền bỉ lưu giữ. Cần mẫn bên khung cửi đã ngả màu thâm, ông Phùng Nam chăm chú theo dõi từng đường thoi chạy. Ông Nam chia sẻ: “Tất thảy từ việc quay sợi, đánh ống, suốt, dệt dù có máy thay thế nhưng cũng không thể thiếu bàn tay người gia công, quán xuyến. Bấy nhiêu công đoạn tôi đã nằm lòng từ ngày còn bé. Tiếng thoi đưa lách cách đã theo suốt cuộc đời, thế nên đã gần lục tuần nhưng vẫn không nghĩ đến việc bỏ nghề dệt”. Tại nhà, vợ chồng ông Nam vận hành hai máy dệt chạy đều đặn khoảng 10 giờ làm được hơn 100m gạc xô. Sản phẩm sau khi ngâm hồ, phơi khô, gấp nếp được cung ứng cho các cơ sở sản xuất lớn để xuất ra thị trường.
Đi giữa rộn ràng tiếng máy từ các hộ sản xuất, Trưởng thôn Lưu Thị Đàn cho hay: “Hiện nay ở Nhân Hòa có khoảng 100 máy dệt vẫn đều đặn sản xuất. Người thợ không còn làm thủ công mà ứng dụng cơ giới vào sản xuất. Sản phẩm cũng được cải tiến để phục vụ nhu cầu của khách. Khi màn xô không được ưa chuộng, người thợ chuyển sang dệt gạc xô phục vụ y tế, các sản phẩm dùng để lót trong chăn ga, gối đệm”. Tuy sản xuất đều đặn nhưng thu nhập của người thợ ở mức trung bình do giá trị sản phẩm không cao, nguồn cung ứng không ổn định. Chính vì thế người thợ dệt ở Nhân Hòa mong sao địa phương có chính sách khuyến khích sản xuất, liên kết thị trường tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, có thu nhập khá, qua đó giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM