Tại cơ sở sản xuất bánh đa, kẹo lạc Nghĩa Hồng ở khối 7, thị trấn Đô Lương, khá đông nhân công đang làm việc. Những chiếc bánh đa có đường kính khoảng 20cm được tráng theo cách thủ công rồi mang ra phơi. Sau đó, bánh được nướng bằng than hoa, dậy lên mùi thơm của tiêu, tỏi, vừng và bảo đảm độ giòn.

Vừa làm xong bánh đa, công nhân lại tranh thủ nấu kẹo lạc. Mùi mật ngọt cùng vị thơm cay của gừng tỏa ra hương vị đặc trưng của làng nghề Vĩnh Đức... Chị Nguyễn Thị Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất bánh đa, kẹo lạc Nghĩa Hồng chia sẻ: “Ngày thường, chúng tôi chỉ sản xuất 70-80kg bột làm bánh đa, 10 đến 15 mẻ kẹo lạc, nhưng vào thời điểm Tết, số lượng bột làm bánh và làm kẹo lạc tăng gấp đôi”.

 Tráng bánh thủ công tại cơ sở sản xuất bánh đa, kẹo lạc Nghĩa Hồng.

Sản phẩm bánh kẹo của làng nghề Vĩnh Đức đều dán nhãn, mác đầy đủ, ngày càng được nhiều người dân biết đến và có nhu cầu mua làm quà, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người dân địa phương. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh Nghệ An đang triển khai hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các bước để sản phẩm của làng nghề được công nhận là sản phẩm OCOP, giúp nâng tầm thương hiệu, giá trị.

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Đô Lương cho biết: “Làng nghề Vĩnh Đức hiện có hàng chục cơ sở sản xuất với hàng trăm lao động đang làm việc thường xuyên, mức thu nhập ổn định từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, sản phẩm của làng nghề chưa khai thác hết được giá trị nhãn hiệu và bề dày truyền thống. Chúng tôi đang đề nghị với các cấp, các ngành tìm giải pháp để quảng bá, khai thác giá trị của làng nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức hiệu quả hơn nữa”.

Bài và ảnh: THÚY HẰNG