Nhắc đến nhạc sĩ Trần Viết Bính, nhiều người sẽ nhớ đến các ca khúc thiếu nhi gắn bó với sự nghiệp của ông. Năm 1946, khi mới 12 tuổi, ông đã vinh dự được chọn hát tặng Bác Hồ ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Gặp lại nhạc sĩ Trần Viết Bính, tôi còn biết ông có đam mê nghiên cứu, sưu tầm dân ca các dân tộc thiểu số.

  Nhạc sĩ Trần Viết Bính.Ảnh do nhân vật cung cấp.

Cơ duyên đó đến vào năm 1985, khi nhạc sĩ Trần Viết Bính đang là cán bộ của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Đồng Nai. Từ những tiếp xúc đầu tiên với đồng bào Chơ Ro, ông nhận thấy kho tàng dân ca các dân tộc ở đây rất phong phú nhưng lại chưa được sưu tầm, khai thác. Mặc dù rất muốn sưu tầm dân ca nhưng ngặt nỗi đây là công việc phải có thời gian điền dã mà điều kiện lúc đó của ông chưa cho phép. Ý định ấy của ông phải mãi đến năm 1993 mới thực hiện được. Chỉ mất 7 năm, ông đã sưu tầm được 51 bài dân ca của các tộc người Mạ, Chơ Ro, S’tiêng, được giới nhạc sĩ đánh giá cao.

Ở tuổi 88, nhạc sĩ Trần Viết Bính ý thức rằng, tuổi của mình ngày càng cao và tuổi của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian cũng vậy, ai cũng như ngọn đèn dầu sắp cạn. Với suy nghĩ ấy mà ông luôn cố sức vun vén cho những chuyến đi xa, những mong có thể gặp được nhiều nghệ nhân, sưu tầm được nhiều bài dân ca hơn. Nhạc sĩ Trần Viết Bính cho biết: “Là con người sinh ra trên đời, ai cũng phải có niềm đam mê và bằng mọi cách nuôi dưỡng niềm đam mê ấy. Từ năm 1993, khi bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu dân ca thì tôi đã bị cuốn hút và tôi nghĩ, đó chính là phần đời còn lại của tôi”.

Bởi thế suốt mấy chục năm qua, dù trời nắng hay mưa, ông đã đi đến nhiều nơi có các đồng bào Mạ, Chơ Ro, S’tiêng, Cơ Ho, Chăm Islam sinh sống để làm quen, gây tình thân ái với các già làng, ấp trưởng, nghệ nhân và cuối cùng là với tất cả dân ở buôn làng làm cho họ mở lòng lục lại trí nhớ cho mình ghi lại những làn điệu dân ca cổ. Mặc dù không biết uống rượu nhưng ông phải tập uống, không ăn được mắm của người dân tộc nhưng cũng phải tìm cách vượt qua. Ông luôn “khắc cốt ghi tâm” lời của GS Tô Ngọc Thanh căn dặn là làm nghề này phải cùng ăn, cùng say, cùng ở và cùng làm việc với đồng bào dân tộc để họ coi mình là người nhà thì may ra mới xin được vài tiếng hát.

PGS, TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Đồng Nai nhớ lại: “Năm 1990, cùng đoàn sưu tầm văn nghệ dân gian lặn lội đến với đồng bào dân tộc Mạ, S’tiêng ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, tôi có trao đổi với nhạc sĩ Trần Viết Bính về ý tưởng “Đánh thức tiếng hát của đồng bào dân tộc thiểu số”. Ý tưởng lập lòe như ánh sáng đom đóm giữa rừng. Không hy vọng nhiều vì lúc ấy nhạc sĩ đang bận rộn với công vụ quản lý và nghiệp vụ nhạc hiện đại. Vậy mà, ý tưởng ấy đọng lại, sâu lắng, thôi thúc lòng người nhạc sĩ Trần Viết Bính say sưa đến hôm nay”.

Đi tìm một làn điệu dân ca tưởng chừng như một công việc đơn giản nhưng thật ra rất vất vả. Nhiều người khuyên nhạc sĩ Trần Viết Bính nên dừng lại và cũng có người cảm thông hơn thì gọi ông là người bao đồng. Bỏ ngoài tai mọi xì xào, ông khẳng định: “Tôi không suy nghĩ chuyện giàu nghèo. Số phận đã trao cho tôi phải đi tìm cái đẹp, cái lấp lánh trong những giai điệu, lời ca đang nằm ẩn khuất trong nhân dân thì mình phải làm bằng cả tâm sức”.

NGÔ KHIÊM