BH Media đăng ký sở hữu bản quyền trên nền tảng số như thế nào?

Qua ghi nhận của chúng tôi trên Youtube cá nhân, những bài hát về Quân đội nhân dân Việt Nam trước đây được phát miễn phí, hiện nay những bài như: Vì nhân dân quên mình, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Giải phóng Điện Biên… đều sở hữu bản quyền BH Media.

Khi đưa bản ghi trên lên Youtube, sau đó upload video sử dụng chính xác bản ghi này thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền. Theo nhiều chuyên gia công nghệ, BH Media hiểu về công nghệ nên đã đi trước một bước khi đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID - một hệ thống tự động có thể mở rộng của Youtube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên Youtube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Tuy nhiên, nếu những video không thuộc quyền sở hữu của BH Media nhưng đơn vị này lại là người đầu tiên gắn Content ID vào sản phẩm thì đã vô hình trục lợi trái phép các tác phẩm nghệ thuật.

Content ID là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình và thu tiền quảng cáo từ Youtube. Với những người làm nội dung trên YouTube, Content ID rất quen thuộc và dùng đánh dấu bản quyền. Đây là hệ thống kỹ thuật được sử dụng xác định tính hợp pháp của nội dung mà người dùng đăng tải trên Youtube.

Content ID sử dụng công nghệ để có thể xác nhận được hình ảnh, âm thanh và so sánh những nội dung mà chủ sở hữu đăng ký với nội dung được đăng tải. Nếu trùng khớp, video này sẽ bị đánh bản quyền. Các nhà sản xuất có thể theo dõi và lựa chọn chặn, gỡ bỏ hoặc lấy doanh thu từ quảng cáo của video vi phạm. Đây được xem là phương pháp phát hiện video vi phạm bản quyền hiệu quả trên YouTube. Do đó, chủ sở hữu cần xác nhận quyền sở hữu tác phẩm trên Youtube qua Content ID.

Một bài hát mà BH Media thông báo sở hữu bản quyền/ Ảnh chụp màn hình. 

Nhạc sĩ Quân đội nhân dân nói gì về bản quyền trên nền tảng số?

Trong đó, ca khúc nổi tiếng “Vì nhân dân quên mình” là tên của 1 hành khúc do Doãn Quang Khải (học viên khóa 6, Trường Lục quân Việt Nam) sáng tác vào tháng 5-1951, nói lên nguồn gốc "từ nhân dân mà ra", mục đích "vì nhân dân mà chiến đấu" của Quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi quan hệ gắn bó giữa quân đội với nhân dân, sự tin yêu của nhân dân với quân đội. Bài hát được giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam (1952-1953). Đây là 1 trong những bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những bài hát, câu hát ấy về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã vang lên trên khắp mọi miền của đất nước, trong tất cả những chặng đường lớn lên, trưởng thành của Quân đội, của các thế hệ chiến sĩ. Nhiều năm qua, sức sống của các ca khúc vẫn trường tồn trong lòng công chúng.

Tác giả của các bài hát này thì giờ đây người còn, người mất. Và có lẽ ở nơi chín suối, liệu rằng, trong số các tác giả của những ca khúc đi cùng năm tháng, đã nằm lòng trong trái tim khán giả từ nhiều năm nay liệu đã nhận được tiền tác quyền từ những đơn vị như BH Media?

Nói về vấn đề bản quyền trong các ca khúc hiện nay, Trung tá, nhạc sĩ An Hiếu, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho rằng: Về vấn đề bản quyền âm nhạc thì các nhạc sĩ nổi tiếng gần như ít quan tâm đến việc này, đặc biệt là các tác giả mà lớn tuổi như nhạc sĩ Huy Thục, Doãn Nho… Do đó vấn đề bản quyền sẽ đặt ra vấn đề là thiệt thòi hiện nay sẽ thuộc về tác giả và gia đình tác giả.

Theo nhạc sĩ An Hiếu, bản chất của vấn đề là tác giả nào sáng tác ra bài hát thì người đó phải nắm bản quyền cao nhất còn các đơn vị khác chỉ được quyền khai thác thôi. Khi khai thác phải được sự đồng ý của các tác giả. Chứ không thể nghiễm nhiên là một người sáng tác ra, sau đó thuê ca sĩ, phối khí rồi mặc nhiên ca khúc đó là của mình. Thực tế là BH Media hiện đang hiểu vấn đề là như thế đó, chẳng hạn như bài “Tiến quân ca” có thể thấy rằng BH Media đang hiểu rằng bài hát đó gia đình đã hiến tặng cho Nhà nước, nhân dân rồi nhưng họ chỉ cần bỏ tiền ra phối khí, hòa âm thuê ca sĩ là trở thành của BH Media. Như thế thì rất sự thiệt thòi cho tác giả.

Nhạc sĩ An Hiếu cho rằng, BH Media thông thuộc về công nghệ nên đã đi trước và nắm được việc này còn các nhạc sĩ không phải ai cũng rành về công nghệ, đặc biệt là những nhạc sĩ gạo cội. Một số nhạc sĩ trẻ còn biết về công nghệ còn những nhạc sĩ khác thì không thể nắm được, không thể hiểu được thế nào là Youtube, mediazing…

“Các nhạc sĩ Việt Nam hiện nay hầu như chỉ biết sáng tác nghệ thuật mà chưa hiểu rõ về vấn đề bản quyền. Đặt trong bối cảnh ngày xưa những bài hát về Quân đội và những bài ca đi cùng năm tháng của các nhạc sĩ trước đây chỉ biết sáng tác chứ chưa hiểu rõ về bản quyền”, nhạc sĩ An Hiếu cho biết.

Theo nhạc sĩ An Hiếu, đối với người nhạc sĩ thì hạnh phúc nhất là đứa con tinh thần của mình được nhiều người hát và đông đảo công chúng biết đến. Đến bây giờ mới nảy sinh ra vấn đề bản quyền, những bài đó được khai thác và một số cá nhân thu được lợi nhuận từ những ca khúc đó. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi tác giả phải tự bảo vệ đứa con tinh thần của mình.

Liên quan đến bản quyền báo chí, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, hiện nay trang thông tin kết nối cộng đồng vietbao.vn dẫn nguồn tin, bài của Báo Quân đội nhân dân Điện tử mà chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân, chỉ được phép dẫn nguồn khi có sự đồng ý bằng văn bản như quy định ghi trên măng sét của báo. 

Hiện nay, nước ta đã có Trung tâm Bảo vệ bản quyền số, đây là cơ quan có mục tiêu bảo vệ tác quyền trên môi trường mạng khi mà tình trạng vi phạm bản quyền trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hết sức trầm trọng. Trung tâm bản quyền số là tổ chức sự nghiệp KH&CN có nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau, trong đó có 2 nhiệm vụ chính: Thứ nhất là bảo vệ bản quyền số trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong bối cảnh việc vi phạm bản quyền các lĩnh vực này đã rất phổ biến và cũng xâm hại đến lợi ích hợp pháp của những nhà sáng tạo nội dung ở trên mạng. Thứ hai là khai thác bản quyền số nhằm mục đích là phổ biến các sản phẩm số nhiều hơn tới các đối tượng khác nhau trên mạng, đồng thời cũng nhằm mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà sáng tạo nội dung.

Mong rằng với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Bảo vệ bản quyền số, đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy mới giữ gìn kỷ cương phép nước, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch; thúc đẩy năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trí thức.

GIA KHÁNH - HỒNG QUANG