PV: Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ khi nào và trong hoàn cảnh nào? Đâu là nhạc phẩm đầu tay của ông?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Tôi lên đường nhập ngũ từ năm 1965, thời gian cùng các chiến sĩ tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) cũng chính là quãng thời gian tôi bắt đầu đến với âm nhạc, khi ấy tôi khoảng 19 tuổi. Trong quãng thời gian đó, quân và dân ta đang trong cuộc chiến đấu gian khổ để chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
“Tiếng hát bên dòng sông Mã” là tác phẩm đầu tay của tôi, được sáng tác khi trận địa của quân ta đang được đặt trên bờ đê của sông Mã, lấy cảm hứng từ trận hiệp đồng chiến đấu rất đẹp giữa các lực lượng: Không quân, pháo phòng không, hải quân và dân quân tự vệ địa phương. Bài hát đã ghi dấu một giai đoạn chiến đấu đầy ý nghĩa, gói trọn nhiều cảm xúc mạnh mẽ trong cuộc đời người lính.
PV: Bắt đầu sáng tác từ khi 19 tuổi, trong một trận chiến đấu gay cấn như vậy thì có khó khăn nào cho ông không? Hay đó là cảm hứng để ông viết nhạc?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Thời đó thiếu thốn đủ bề, ngay cả việc có radio để nghe nhạc cũng là điều xa xỉ. Cả đại đội có khi chỉ có một chiếc radio nhỏ xíu. Về nhạc cụ thì lại càng hạn chế hơn. Khi nhập ngũ, tôi không mang theo guitar, chỉ có một cây sáo trúc nhỏ gọn và bài hát đầu tay của tôi cũng được sáng tác từ chính cây sáo ấy. Trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, chính cảm hứng từ những chiến công và tinh thần chiến đấu đã tiếp sức để tôi viết nên bài hát đầu đời của mình.
 |
Nhạc sĩ Ngọc Khuê. Ảnh: THẢO HƯƠNG |
PV: Nhìn lại hành trình sáng tác của mình, đâu là giai đoạn để lại cho ông nhiều dấu ấn nhất trong sự nghiệp âm nhạc?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Trong chiến tranh, mỗi bài hát ra đời đều rất quý giá, giúp tiếp thêm động lực và niềm vui cho người lính. Ở giai đoạn trước khi Đổi mới (khoảng từ năm 1980 đến năm 1986), ai từng sống qua thời điểm đó đều hiểu sự thiếu thốn trầm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 1980, tôi có viết bài "Mùa xuân làng lúa làng hoa", bài hát ra đời giữa bối cảnh đất nước còn nhiều thiếu thốn nhưng chính khao khát về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc tôi viết:
“Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người
Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng”.
“Lúa" là biểu tượng cho đời sống vật chất, còn "hoa" là biểu tượng cho đời sống tinh thần. Dù trong khó khăn, con người vẫn luôn khát khao hướng tới một cuộc sống trọn vẹn cả về vật chất và tinh thần. Những thử thách ấy không chỉ là trở ngại mà còn là nguồn động lực để tôi sáng tác nên những ca khúc mang đậm dấu ấn thời kỳ.
PV: Ông đã từng nói về việc đưa hình ảnh người anh hùng thành một câu chuyện cho mọi người cảm nhận được thời khắc của Hà Nội bấy giờ. Vậy trong bài hát “Ông tôi là một người anh hùng” ông muốn khắc họa đặc biệt điều gì về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Năm 2022, tức là kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tôi viết bài này cho Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân. Bài hát lấy cảm hứng từ một tấm gương ông Nguyễn Văn Phiệt-ngày ấy là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa. Ông là anh hùng trong thời khắc chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1972, khi Hà Nội đối mặt với chiến dịch ném bom B52 ác liệt.
Tôi viết bài này với cảm xúc của một người cháu, cũng là sĩ quan quân đội, vừa bước vào con đường binh nghiệp. Nghĩ về quá khứ, về những chiến thắng vinh quang, tôi muốn ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, đây chính là điều tôi muốn khắc họa trong bài hát này.
PV: Là một người lính Phòng không-Không quân, đồng thời là một nhạc sĩ, khi đối mặt với bom đạn và nguy hiểm, điều gì giúp ông giữ được tinh thần lạc quan để sáng tác?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Đối với những người lính chiến đấu, không có nhiều thời khắc để suy nghĩ khi vào trận đấu. Toàn bộ trí lực và tinh thần của người lính đều phải dồn hết vào việc chiến đấu. Nhưng khi trận đánh kết thúc, trong những khoảnh khắc bình lặng hiếm hoi, tôi có dịp tĩnh tâm lại, suy nghĩ về quê hương, người thân, làng quê thân yêu. Những suy nghĩ và cảm xúc đó chính là nguồn cảm hứng lớn nhất cho tôi và cũng là tâm tư được chuyển hóa thành âm nhạc. Sau mỗi trận chiến, tôi suy ngẫm về việc sẽ viết gì, viết như thế nào, và viết để ai hát.
PV: Sự kết hợp giữa thơ và nhạc trong tác phẩm: Bài thơ "Dấu ấn Hà Nội 1972" của ông đã được phổ nhạc thành ca khúc "Hà Nội mùa đông năm ấy". Ông đánh giá thế nào về sự kết hợp này?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Bài thơ "Dấu ấn Hà Nội 1972" của tôi sau này được phổ nhạc thành ca khúc “Hà Nội mùa đông năm ấy". Anh Đoàn Nguyên Hiếu, hiện là nhạc sĩ biên tập của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, đã ngỏ ý muốn tôi viết lời cho ca khúc bởi việc viết lời về đề tài chiến đấu ngày xưa là một thử thách lớn, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Đối với tôi, sự kết hợp giữa thơ và nhạc trong ca khúc này không chỉ giúp tái hiện một Hà Nội hào hùng trong chiến tranh mà còn thể hiện nét đẹp lãng mạn, kiên cường của người Hà Nội, của con người Việt Nam. Đây là giá trị đặc biệt mà thơ và nhạc đã hòa quyện, mang đến một tác phẩm vừa giàu cảm xúc, vừa đậm chất lịch sử. Tôi rất tự hào và hạnh phúc khi bài thơ của mình được chuyển thể thành ca khúc đầy ý nghĩa như vậy.
PV: Hình ảnh cô gái tưới hoa bên xác B52 trên hồ Hữu Tiệp xuất hiện trong ca khúc "Hà Nội mùa đông năm ấy" mang ý nghĩa gì đặc biệt đối với ông trong việc tái hiện một Hà Nội hào hùng mà lãng mạn?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Hình ảnh cô gái tưới hoa bên xác B52 trên hồ Hữu Tiệp, giữa làng hoa Ngọc Hà là cảm hứng lớn nhất cho bài hát, đó cũng là một hình ảnh tôi không thể nào quên được trong thời kỳ chiến tranh. Nó không chỉ kể câu chuyện về sức mạnh chiến đấu phi thường của người dân Thủ đô mà còn tỏa sáng nét lãng mạn bất chấp hoàn cảnh khốc liệt. Sự hòa quyện giữa vẻ đẹp đời thường và ý chí kiên cường ấy đã biến Hà Nội thành một biểu tượng của tình yêu và hy vọng mãnh liệt.
PV: Theo ông, điều gì khiến các bài hát về chiến tranh và Hà Nội vẫn giữ được sức sống qua nhiều thế hệ?
Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Tôi nghĩ rằng, các bài hát về chiến tranh và Hà Nội vẫn giữ được sức sống là bởi chúng gắn liền với những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Những ca khúc ấy không chỉ kể lại câu chuyện về chiến đấu mà còn là lời tâm sự, là tiếng lòng của cả một thế hệ. Đối với lớp trẻ ngày nay, tôi tin rằng vẫn có những góc nhìn trân trọng dành cho những giá trị xưa cũ. Điều quan trọng là những bài hát lịch sử ấy vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong nền âm nhạc Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.