Duyên nợ với những “mảnh ghép lịch sử”
Trong căn phòng làm việc chừng 20m², Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng trầm ngâm lật giở những tập giấy đã sờn gáy từ lâu. Nhiều tập đã mờ chữ hoặc bị khuyết tới mức không thể đọc được.
Hơn 40 năm công tác trong lực lượng vũ trang, người cựu chiến binh thấu hiểu sâu sắc với những nhân vật, những câu chuyện nằm trong những mảnh giấy đã bạc màu. Năm 2004, ông tiếp đón một nhà sưu tầm thư người Mỹ. Cuộc gặp gỡ tưởng chừng như tình cờ ấy đã trở thành một “cú hích” mạnh mẽ đối với ông.
Chứng kiến người cựu chiến binh nước ngoài đã từng đi nửa vòng trái đất chỉ để sưu tầm thư thời hậu chiến, một câu hỏi như tiếng chuông vang lên trong tâm trí Đặng Vương Hưng: “Tại sao, ngay trên quê hương mình, nơi ghi dấu bao cuộc kháng chiến oanh liệt, chúng ta lại không lưu giữ những ký ức lịch sử này?”.
Với suy nghĩ đó, hành trình tìm về những ký ức bức thư, nhật ký bắt đầu. Vốn đang công tác tại Báo An ninh thế giới, ông đã khởi xướng cuộc vận động sưu tầm những lá thư, nhật ký thời chiến.
 |
Nhà văn Đặng Vương Hưng. |
“Khi sự kiện được công bố, ngay lập tức chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ khắp mọi miền đất nước. Chỉ sau 1 năm phát động, con số đã lên đến hàng vạn lá thư, cùng hàng ngàn cuốn nhật ký”, ông kể.
Tuy nhiên, phần lớn những lá thư gửi về đều thiếu thông tin về người gửi, người nhận, thậm chí không có một dòng thuyết minh nào. Những lá thư vô danh ấy như những mảnh ghép rời rạc, khơi gợi trong ông nỗi niềm trăn trở.
Với lòng quyết tâm và sự đau đáu khôn nguôi, Đại tá Hưng vẫn kiên trì dấn bước. Ông rong ruổi khắp mọi miền đất nước, từ Nam ra Bắc, có những nơi phải trở lại đến 2, 3 lần, thậm chí nhiều năm ròng rã, chỉ để tìm kiếm một chút manh mối, xác minh lai lịch của những lá thư vô danh.
Hành trình ấy là chuỗi ngày dài miệt mài, bằng cả tấm lòng son sắt với quá khứ, với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Những trang đời không lặng
Trong vô vàn lá thư gửi về, những câu chuyện về hình ảnh người lính sinh viên luôn khắc sâu vào tâm khảm Đại tá Đặng Vương Hưng. Trong đó có câu chuyện về Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Năm 1971, giữa lúc chiến tranh ác liệt, lớp trí thức trẻ như Nguyễn Văn Thạc đã gác lại giảng đường, tình yêu và ước mơ tương lai để cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày 6-9-1971, chàng trai Hà Nội cùng hàng ngàn sinh viên khác nhập ngũ, mang theo bầu nhiệt huyết và tình yêu đất nước.
Nguyễn Văn Thạc, chàng trai Hà Nội tài hoa, không chỉ viết nên những lá thư tràn đầy cảm xúc mà còn ghi lại một thế giới tâm hồn phong phú và sâu sắc. Qua những bức thư, tình yêu đẹp giữa anh và người con gái tên Như Anh hiện lên với những lời hẹn ước hạnh phúc. Nhưng năm 1972, ở tuổi đôi mươi, anh đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị khốc liệt, để lại bao hoài bão dang dở.
Nhận thấy giá trị to lớn của những lá thư, Đại tá Hưng đã dành rất nhiều thời gian thuyết phục gia đình liệt sĩ, để rồi từ đó, cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” ra đời. Chính những trang viết chân thực và giàu cảm xúc trong tập nhật ký đã góp phần khắc họa chân dung một thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến tranh - anh dũng, kiên trung và giàu lòng yêu nước.
 |
Một trong số những lá thư tay của người lính thời chiến được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm trong hàng chục năm qua. |
Giấc mơ “bảo tàng ký ức”
Hai mươi năm ròng rã, nhà văn Đặng Vương Hưng lặng lẽ gom nhặt ký ức chiến tranh. Từng lá thư, dòng nhật ký, như những mảnh ghép thời gian, được ông nâng niu, gìn giữ, chắt chiu thành những cuốn sách quý giá.
“Những lá thư, nhật ký thời chiến tuy riêng tư nhưng lại mang hơi thở, dấu ấn của cả một thời đại. Chạm vào những trang giấy mỏng manh, nhòe mờ do năm tháng, chính là chạm vào quá khứ, chạm vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc”, ông tâm sự.
Nhưng thời gian vô tình, những trang giấy mong manh kia rồi cũng sẽ phai mờ. Nỗi trăn trở ấy thôi thúc ông tìm cách gìn giữ chúng mãi mãi. Ý tưởng về một “bảo tàng ký ức” trực tuyến cứ thế dần hình thành trong tâm trí ông, nơi công nghệ hiện đại sẽ giúp những lá thư, dòng nhật ký sống lại, không chỉ bằng hình ảnh, mà còn bằng âm thanh, màu sắc, bằng cả giọng đọc của người viết.
“Tôi muốn đưa những trang ký ức ấy lên các nền tảng mạng xã hội. Xây dựng hình thức truyền tải thật chân thực với các hình ảnh, âm thanh, màu sắc và những thông tin cụ thể về nhân chứng lịch sử. Để tất cả mọi người, dù ở đâu, lứa tuổi nào cũng có thể tiếp cận được, đặc biệt là thế hệ trẻ”, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết.
Theo ông, số hóa chính là cách đưa những kỷ vật đến gần hơn với công chúng, để những “trang kỷ vật” ấy không chỉ là di sản của quá khứ, mà còn là tài sản chung của hiện tại và tương lai, trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc ý chí cho cả cộng đồng. Và ông tin rằng, có lẽ, ở một nơi nào đó, những người lính đã nằm xuống cũng đang mỉm cười, khi biết rằng câu chuyện của họ vẫn sống mãi - không chỉ trên những trang sách mà còn trong trái tim của các thế hệ mai sau, theo nhiều cách khác nhau.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sinh năm 1958, quê Bắc Giang. Ông có 16 năm phục vụ trong Quân đội, gần 30 năm công tác trong Công an, nguyên Phó tổng biên tập Báo Công an nhân dân và An ninh Thế giới; người khởi xướng thực hiện Tủ sách "Mãi mãi tuổi 20"; người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của tổ chức "Trái tim người lính Việt Nam"; chủ biên của bộ sách "Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam"; người đã dành 20 năm tìm kiếm, sưu tầm và xử lý tư liệu hàng vạn lá thư, sổ tay nhật ký; là tác giả của hơn 50 cuốn sách về đề tài chiến tranh.
|
Bài và ảnh: MAI CHI - THANH HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.