Nặng nghĩa tri ân

Một ngày cuối tháng 7-2018, đoàn đại biểu Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội tới thăm Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Đơm ở thôn Diên Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đón đoàn trên mảnh đất đang thi công những hàng gạch đầu tiên, Anh hùng Hồ Thị Đơm nghẹn ngào xúc động. Phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Trần Hồng Dung trân trọng trao cho mẹ quyết định hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà. “Cảm ơn các con nhiều lắm! Mẹ không ngờ rồi có ngày mẹ lại có một ngôi nhà mới để thờ phụng chồng con, để nuôi các cháu ăn học...” - những lời của mẹ khiến cả đoàn rưng rưng, nhiều người lấy khăn chấm lệ!

“Hoàn cảnh của mẹ đáng thương lắm! - Bà Trần Thị Nghiêu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Bắc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới cho biết - Mấy năm trước, mẹ phải bán đi ngôi nhà sàn-tài sản duy nhất trong gia đình để chữa bệnh ung thư cho chồng. Chồng mất, một người con của mẹ cũng bị bệnh hiểm nghèo qua đời, mình mẹ phải nuôi thêm 3 đứa cháu đang tuổi đến trường. Thật may mắn khi hoàn cảnh khó khăn của mẹ được Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” chia sẻ, giúp đỡ”.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Đơm (thứ ba, từ trái sang) xúc động trước nghĩa cử của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”.

Được thành lập từ năm 2005, trải qua 13 năm hoạt động, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội đã ghi dấu chân trên nhiều địa bàn khó khăn của cả nước. Thành viên của quỹ đa số là các cựu chiến binh, những trí thức nghỉ hưu đã ở vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng luôn nhiệt huyết với công việc thiện nguyện. Bà Trần Hồng Dung cho biết: “Chúng tôi hoạt động trên tinh thần tự nguyện, luôn hướng tới những đối tượng chính sách, những hoàn cảnh khó khăn nhất. Nơi nào càng khó khăn, càng ít người tới được thì thành viên quỹ sẽ tới. Tất cả các thành viên quỹ đều tự đóng góp cho các chi phí hoạt động, ăn ở, đi lại..., còn mọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân đều sẽ được chuyển tới tận tay các đối tượng chính sách, khó khăn”.  

Bà Dung chỉ nói ngắn gọn vậy nhưng tôi được biết, mới đầu tháng 7, đoàn vừa có chuyến thiện nguyện tới Mường Lát, huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Còn trước đó chưa đầy hai tháng là chuyến đi hai tỉnh Sơn La, Điện Biên. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đoàn đã tổ chức gần chục chuyến đi về các địa bàn khó khăn trong cả nước.

“Có những địa bàn xe không thể vào tận nơi được, các thành viên đoàn động viên nhau khuân vác đồ đạc, người xách, người đeo đi bộ hàng chục cây số mới tới nơi. Hay có nơi không thể đi bộ mà phải thuê ghe của người dân địa phương vượt thác vào. Không thể kể hết những khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy nữa của các thành viên đoàn khi phải vượt qua những cung đường đèo dốc, những địa bàn heo hút, ít người đặt chân tới. Nhưng chưa lúc nào thành viên quỹ e ngại trước mỗi chuyến đi. Thậm chí chưa kết thúc chuyến đi trước là đã “lên lịch” cho chuyến đi sau rồi!” - Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Dũng, thành viên quỹ cười chia sẻ.

Còn cựu chiến binh Trương Công Đạo - Ủy viên Hội đồng quản lý quỹ, Phó giám đốc thường trực của quỹ lại chia sẻ kỷ niệm “nhớ đời” trong chuyến đi hai tỉnh Sơn La - Điện Biên của đoàn, tháng 5-2018: “Chiếc xe 25 chỗ của đoàn bị sa lầy ở xã Bó Sinh, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La mất hơn 3 giờ đồng hồ. May mắn, đoàn được sự hỗ trợ từ nhân dân địa phương mới “cứu” được xe lên. Cũng vì vậy mà lỡ giờ hẹn với cô và trò Trường Tiểu học xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên). Hơn 7 giờ tối, chúng tôi mới đến nơi, nhưng thấy học sinh và nhân dân xã vẫn chờ đón đoàn thì mọi mệt mỏi của các thành viên đều tan biến. Và sau những chuyến đi như thế, chúng tôi thấy khỏe mạnh hơn, càng tích cực đi vận động các nguồn lực xã hội để làm từ thiện”.

Những năm qua, quỹ thường xuyên tổ chức các chuyến đi từ thiện, trao tặng nhà tình nghĩa, tri ân người có công, tặng hàng nghìn bộ quần áo ấm, tủ sách giáo khoa cho học sinh vùng cao. Hàng chục tỷ đồng xã hội hóa từ sự vận động của quỹ đã giúp nhiều gia đình chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những cựu chiến binh... phần nào vơi bớt khó khăn.

“Tiếp lửa” truyền thống

Một trong những điều đặc biệt trong các chuyến đi từ thiện, những hành trình “về nguồn” của đoàn Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” là luôn có sự tham gia của sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội. Tham gia các chuyến đi này, mỗi sinh viên không chỉ được gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ cha anh đã từng hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc mà còn được đến với nhiều miền đất, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Tiến sĩ Trần Bách Hiếu-Phó chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó giám đốc quỹ cho biết: “Với mục đích “truyền lửa”, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, mỗi chuyến đi của đoàn là sự đắp bồi tình yêu quê hương đất nước, sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, niềm tin vào các giá trị sống chân-thiện-mỹ cho các bạn đoàn viên, sinh viên”.

Đại diện Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” trao quà tặng đối tượng chính sách tại Mường Lát, Thanh Hóa, tháng 7-2018.

Không phải là những bài diễn văn, những chương trình giảng dạy giáo điều, mỗi câu chuyện kể của các cựu chiến binh về tình đồng đội, nghĩa đồng bào trên những chuyến hành trình dọc dài khắp các địa bàn trên dải đất hình chữ S được các bạn sinh viên tiếp nhận với niềm xúc động và sự trân trọng. Bạn Nguyễn Thái Sơn-sinh viên năm thứ 4 Khoa Sinh học, Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa trải qua hành trình “Đền ơn đáp nghĩa-Tri ân đồng đội” tới những nghĩa trang lớn của đất nước như: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích lịch sử Truông Bồn... cùng thành viên quỹ dịp cuối tháng 7 vừa qua. Thái Sơn tâm sự: “Lần đầu tiên được tham gia hành trình là niềm vinh dự và ý nghĩa lớn với em. Em hiểu hơn về những hy sinh của thế hệ cha ông đi trước cũng như trân trọng hơn cuộc sống hôm nay. Em tự nhủ, mỗi ngày cần phải làm thêm được nhiều việc tốt để xứng đáng với sự hy sinh ấy”.

Những năm qua, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” luôn động viên, khuyến khích, góp một tiếng nói “tiếp lửa” lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Do đó, các hoạt động hướng tới tuổi trẻ thường xuyên được quỹ tổ chức, như: Trao giải thưởng "Mãi mãi tuổi 20" cho những thanh niên ưu tú; các buổi giao lưu giữa những cựu chiến binh-sinh viên một thời với tuổi trẻ các tỉnh, thành phố, các trường đại học trên cả nước; tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” với hàng trăm đầu sách trở thành tuyển tập “gối đầu giường” của nhiều học sinh, sinh viên do Phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng trực tiếp xây dựng; Những cuốn sách "Âm vang dòng Thạch Hãn", "Khúc tráng ca Thành cổ”, “Viết tiếp tuổi 20"... tái hiện một thời bi tráng của các cựu chiến binh đã từng chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được thành viên quỹ tập hợp, phát hành và giới thiệu đến đông đảo bạn đọc cả nước. Gần đây, quỹ kết hợp cùng Đoàn trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho ra đời CLB tình nguyện “Ngọn lửa tuổi 20” dành cho các bạn sinh viên... là hoạt động thiết thực tạo “sân chơi” cho các bạn trẻ thể hiện vai trò, sự đóng góp của mình cho đất nước. Đó là tinh thần của những người “mãi mãi tuổi 20” luôn muốn trao truyền các giá trị sống tốt đẹp tới thế hệ trẻ hôm nay.

Chia sẻ về những dự định sắp tới của quỹ, bà Trần Hồng Dung nói: “Dù còn nhiều khó khăn thì mỗi năm nhìn lại chúng tôi đều tự hào vì những việc mình đã làm được. Mong muốn của chúng tôi là sẽ vận động được thật nhiều nguồn lực xã hội để làm từ thiện, xây được nhiều hơn nữa nhà tình nghĩa cho người có công. Chúng tôi đang triển khai xây dựng tháp tri ân mang tên “Mãi mãi tuổi 20” và Khu nhà khách miễn phí tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hy vọng sẽ là “điểm nhấn” trong hành trình “thắp lửa” tri ân kỷ niệm 15 năm hoạt động của quỹ thời gian tới”.

Bài và ảnh: PHẠM THU THỦY