Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ và từng giữ các chức vụ: Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; Tổng biên tập Báo Văn nghệ; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III; Đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa 6 (1976-1981).
Nhà thơ Giang Nam sáng tác cả thơ và truyện. Trong đó nổi tiếng với các thi phẩm “Tháng Tám ngày mai” (1962); “Quê hương (1965); “Vầng sáng phía chân trời” (1975); “Hạnh phúc từ nay” (1978); “Lắng nghe thời gian” (2008); Truyện “Người giồng tre” (1969); “Trên tuyến lửa” (1984); “Rút từ sổ tay chiến tranh” (1987)...
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Giang Nam là một người đã chọn Tổ quốc và thơ ca là lẽ sống của đời mình. Và suốt đời ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con đường của ông. Nhà thơ Giang Nam sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Nhà thơ Giang Nam thuộc lớp nhà thơ của thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã ở lại miền Nam và không đi tập kết ra Bắc. Ông đã đi bộ từ Phú Yên đến Tây Ninh theo sự điều động của Trung ương Cục miền Nam. Giang Nam ở lại cùng nhà thơ Thanh Hải và Văn Công. Đây là 3 nhà thơ đã có những cống hiến quan trọng vào thơ ca thống nhất nước nhà, đặt nền móng cho văn nghệ giải phóng sau này.
 |
Nhà thơ Giang Nam. Ảnh: VTV. |
“Giang Nam là một nhà thơ yêu nước nồng nàn, một nhà thơ chiến sĩ trung kiên. Bài thơ “Quê hương” là một trong những tác phẩm hay nhất, đỉnh cao nhất của Giang Nam, được phổ biến rộng rãi. Đây là một bài thơ mang tính chiến đấu cao, hình ảnh quê hương bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. “Quê hương” trong bài thơ là quê hương của Giang Nam nhưng bài thơ cũng nói lên quê hương của cách mạng, của kháng chiến. Bài thơ có sức cổ vũ, lan tỏa rất mạnh, góp phần khích lệ, động viên quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.
Bày tỏ cảm xúc về nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Giang Nam là một nhà thơ có tư cách, phẩm chất cách mạng mẫu mực. Tài năng của nhà thơ được trưởng thành trong chiến đấu, thử thách qua bom đạn, chiến tranh. Cả cuộc đời ông gắn bó và thủy chung tận cùng cho cách mạng, cho kháng chiến. Vì thế, các tác phẩm của Giang Nam mang tính chiến đấu và thể hiện lòng yêu nước sâu sắc. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thi ca Việt Nam trong những năm kháng chiến. Hơn nữa, Giang Nam còn là người có lối sống lạc quan và kiên định con đường đổi mới của đất nước”.
Nhà thơ Giang Nam đã về với cát bụi nhưng tác phẩm của ông sẽ còn mãi với sự nghiệp của cách mạng và thi ca Việt Nam.
Tập thơ “Quê hương” mang lại cho ông nhiều thưởng như: Giải Nhì tạp chí Văn nghệ năm 1961, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Năm 2002, nhà thơ Giang Nam nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa cho trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết”. Trường ca này cũng được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng thưởng cho tác giả cao tuổi.
Nhà thơ Giang Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như: Huân chương Quyết thắng chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật…
|
KHÁNH HUYỀN