QĐND - Nguyễn Quốc Toàn đón tôi từ giọng nói ấm áp, hồ hởi qua điện thoại, khi tôi ngỏ ý muốn đến thăm ông và viết bài nhân kỷ niệm 55 năm Nhà hát Kịch Hà Nội.

Đúng hẹn, tôi đến nhà số 10 Phan Đình Phùng, đã thấy Nguyễn Quốc Toàn đứng đón ở cổng. Ông từng vào vai ông "Bộ trưởng", "Giám đốc", "Bí thư"… bệ vệ, khổ người 1m66/65kg, lông mày rậm, mặt chữ điền; lại cũng có thể là "nông dân”, "xích lô" khi cần. Hôm nay, tôi muốn "cận cảnh" Nguyễn Quốc Toàn, nghệ sĩ Hà Nội. Ông bảo: “Để nói về Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi chỉ có một câu: Nhà hát Kịch Hà Nội - Đời tôi - Tôi yêu Nhà hát!”.

Một câu nói ấy của Quốc Toàn là lời dồn tụ của một người 42 năm gắn bó. Tình yêu ấy đâu thể diễn giải trong một buổi sáng "vỡ đập tràn" ký ức, trong bài viết ngắn ngủi này.

Mồ côi cha khi 4 tuổi, Quốc Toàn là con thứ trong gia đình 10 anh em, là người duy nhất theo nghệ thuật. Khởi từ thành viên Đội Kịch Trường cấp 3 Chu Văn An, năm 1965, Quốc Toàn trúng tuyển vào Đoàn Kịch nói Hà Nội. Tuổi trẻ của chàng trai Hà Nội Quốc Toàn đầy hăm hở dấn thân. Anh hăng say vừa học, vừa làm, tràn đầy niềm tin vào sân khấu, sức mạnh và ý nghĩa của nó, dù cuộc sống vật chất thiếu thốn, ly tán vì chiến tranh Đoàn không cố định, phải di chuyển nhiều nơi, tạm trú tại đình Tạm Thương (phố Hàng Bông), tập vở Bức tranh mùa gặt. Năm 1966, là tự vệ của Đoàn Kịch Hà Nội, Quốc Toàn đầu đội mũ sắt, vai khoác súng trường 33 viên đạn, mỗi khi còi báo động máy bay Mỹ sắp đến, leo lên nóc nhà để "đón địch". Sau đó, Đoàn Kịch sơ tán sang Đức Giang, Gia Lâm, đóng ở Xí nghiệp May 10. Có lần sau khi cháy kho xăng, cả đoàn chia nhóm ra diễn các vở ngắn, hát phục vụ bộ đội và nhân dân…

NSƯT Nguyễn Quốc Toàn (trái) vai Bộ trưởng và NSƯT Trần Kiếm (công nhân Quých) trong vở Tôi và chúng ta, 1985. Ảnh do Nhà hát kịch Hà Nội cung cấp.   

Những kỷ niệm đời nghệ sĩ của ông gắn liền với các thời gian địa điểm khắp đất nước, là "bản đồ nghệ thuật" của Kịch Hà Nội mà ông là một trong các nhân chứng xuyên suốt.

Ở tuổi 68, ông làm tôi bất ngờ về độ trẻ trung của tư duy và trí nhớ tuyệt vời. Phải yêu nghề lắm mới nhớ rành mạch nhiều vở diễn như thế, nhớ cả tên nhân vật của các đồng nghiệp.

 “Năm 1968, chúng tôi vượt Trường Sơn, diễn phục vụ Đoàn 559. Tuổi thanh niên, các diễn viên đều trẻ, khỏe, không ngại hiểm nguy. Tháng 9-1975, chúng tôi đi 2 ô tô chở diễn viên, 1 xe chở cảnh và đạo cụ, lại Trần Hạnh, Trịnh Mai, Lê Mai, Nhật Đức, Kim Xuyến... vào Huế, Đà Nẵng rồi vào Sàn Gòn, diễn vở Tiền tuyến gọi, kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa... Tôi đi Sài Gòn, để lại vợ và con gái mới 1 tháng tuổi ở Phan Đình Phùng, ở cùng mẹ tôi”.

Nguyễn Quốc Toàn đóng các vai chính, thứ chính trong hầu hết các vở của Nhà hát Kịch Hà Nội liên tục 30 năm. Năm 1985, ông là Phó trưởng Đoàn Kịch Hà Nội. Năm 1993, ông là Phó giám đốc Nhà hát. Từ trợ lý, ông làm phó đạo diễn, rồi đạo diễn trưởng thành từ nghề diễn viên, tâm huyết với Kịch Hà Nội, ông truyền kinh nghiệm nghề cho thế hệ sau, đối với lớp kế cận, ông như người anh trong nhà. Là người năng động, ông luôn chủ động chọn, đặt tác giả, đạo diễn để có kịch mục đa dạng, hướng tới khán giả, chọn vở mang hơi thở cuộc sống, nổi bật là hiện tượng: Thầy khóa làng tôi, Cát bụi. Thời kỳ ông là giám đốc, năm nào Kịch Hà Nội cũng du diễn TP Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ của đoàn trực tiếp tiếp thị, đưa Kịch Hà Nội đến với công chúng, đối mặt với cạnh tranh và có vị trí thực sự, gây được chú ý tại phương Nam.

Về hưu, Quốc Toàn vẫn đóng phim, lồng tiếng, giảng dạy Tiếng nói Sân khấu và kỹ thuật biểu diễn tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. "Tôi mong Kịch Hà Nội có sức tỏa mạnh hơn. Gần đây, Kịch Hà Nội chưa chiếm lĩnh được sân khấu và công chúng. Cần lấy lại vị thế anh cả dẫn đầu của nghệ thuật biểu diễn Thủ đô. Bất cứ lúc nào nhà hát cần, tôi sẽ có mặt. Trở lại diễn xuất hay giúp được điều gì, tôi sẵn lòng".

Quốc Toàn đặt niềm tin với người kế nhiệm-NSND Hoàng Dũng, người đủ uy tín và độ từng trải, bản lĩnh, độ sâu gắn bó để giữ và tạo dựng Nhà hát Kịch Hà Nội xứng đáng với tình yêu của đồng nghiệp, khán giả yêu Kịch Hà Nội.

VI THÙY LINH