Một vấn đề được bàn bạc khá sôi nổi hiện nay, đó là vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Mặc dù trong xã hội Việt Nam truyền thống, vai trò của người mẹ và người phụ nữ được tôn trọng nhiều hơn so với ở các nước Khổng giáo khác, nhưng không phải vì thế mà trong gia đình đã có sự bình đẳng. Sự phân biệt nam nữ diễn ra ngay từ việc sinh con trai, con gái, việc nuôi dạy chúng, việc học hành, lựa chọn nghề nghiệp, việc phân công lao động trong gia đình… Người phụ nữ được thờ cúng ở những nơi trang trọng nhất nhưng cũng có thể bị "gọt đầu bôi vôi", có thể trở thành thê thiếp của những kẻ quyền thế và giàu có.
Đầu thế kỷ 20, khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây và Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xã hội Việt Nam bắt đầu có những thay đổi. Sự xuất hiện của một số tờ báo về phụ nữ, những trí thức nữ, những sinh viên và học sinh các trường dành riêng cho phụ nữ như Đồng Khánh, Trưng Vương những năm 1930-1940 đã tạo ra một không khí mới về vấn đề bình đẳng nam nữ trong gia đình và xã hội. Cụ Hoàng Ngọc Phách, trong hồi ký của mình đã miêu tả rất kỹ những cuộc tranh luận, sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt học thuật về vấn đề này. Chính những cuộc tranh luận ấy đã khiến cho những tư tưởng tiến bộ về tự do, bình đẳng, bác ái, về nữ quyền và bình đẳng nam nữ từ cách mạng Pháp được truyền bá mạnh mẽ vào Việt Nam. Về phương diện này, chính mặt tiến bộ trong văn hóa gia đình của Pháp đã là lực lượng mạnh mẽ đầu tiên tấn công vào tư tưởng cổ hủ của lễ giáo phong kiến.
Nhiều mẫu hình mới về người phụ nữ mạnh mẽ, trẻ trung, vượt ra ngoài cánh cửa gia đình để bước vào cuộc sống xã hội đã làm thay đổi cách suy nghĩ của không ít người về phụ nữ và gia đình. Đó là hình ảnh những phụ nữ tham gia công tác xã hội, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và các phong trào đấu tranh chống thực dân phong kiến. Họ đã đem lại cho gia đình Việt Nam những sự đổi khác. Nhiều phụ nữ cũng thay đổi trang phục, từ cách ăn mặc (mặc áo tân thời, tham gia những cuộc thi áo tắm) đến những buổi sinh hoạt đông người, tranh luận trên diễn đàn và báo chí với nam giới.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập với những chính sách mới về phụ nữ. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1946 đã công bố về quyền bình đẳng nam nữ trong gia đình và xã hội, xóa bỏ mọi hủ tục khắt khe với phụ nữ. Bắt đầu từ đây, vai trò của phụ nữ trong việc phát huy các giá trị gia đình được công nhận và được tạo mọi điều kiện phát triển. Phụ nữ bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, điển hình là ở vùng giải phóng, tham gia dân quân tự vệ, du kích kháng chiến, tham gia bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ, tham gia dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ… Sau hòa bình ở miền Bắc năm 1954, phụ nữ càng mở rộng tham gia các hoạt động phong phú của đất nước và gia đình trong không khí dân chủ, bình đẳng.
Một gia đình trẻ trong Ngày hội Gia đình Việt Nam. Ảnh: DUY VĂN
Từ những hoạt động xã hội đó, phụ nữ ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội. Vị trí, vai trò của người phụ nữ được khẳng định đã làm cho bộ mặt gia đình và xã hội Việt Nam có những chuyển biến tích cực hơn, nghĩa là trong lúc này, ngoài vai trò người đàn ông vẫn tồn tại cố hữu thì còn xuất hiện thêm vai trò của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội. Các vấn đề về giải phóng những ràng buộc khắt khe của gia đình, bình đẳng nam nữ, tự do luyến ái được bàn luận và thực hiện rầm rộ.
Với sự mở rộng của giáo dục và phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới, phụ nữ ngày nay cũng ít phụ thuộc hơn vào những chuẩn mực và hình thức của gia đình truyền thống. Việc thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em đã làm biến đổi trật tự gia đình cũ. Vấn đề tự do cá nhân của các thành viên gia đình được tôn trọng hơn. Sự phát triển của những hoạt động dịch vụ và thị trường cũng làm tăng cơ hội để phụ nữ thoát khỏi sự trói buộc của các hoạt động nội trợ, sinh đẻ và chăm sóc con cái. Rõ ràng là sự chuyển đổi các quan niệm hướng đến tính tự chủ của cá nhân, sự thay đổi trong quan hệ giới so với các giá trị truyền thống đã dẫn đến sự suy giảm việc tuân thủ và chấp nhận các quy chuẩn cũ của đời sống gia đình.
Ngày nay, trong điều kiện các chức năng kinh tế, xã hội và văn hóa của gia đình đang biến đổi, rõ ràng là thiết chế gia đình cũng cần phải phát triển phù hợp với giá trị chân chính và nhân đạo, sự bình đẳng và an sinh cho mỗi thành viên của gia đình trong những điều kiện mới. Việc nâng cao vị thế, vai trò của các thành viên trong gia đình sẽ làm tăng thêm những giá trị về cá nhân con người. Tuy nhiên, chính nó cũng có thể sẽ lại làm cho những quan hệ bên trong gia đình không còn hoàn toàn chặt chẽ.
Việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội và bình đẳng về kinh tế với nam giới, làm tăng các kiến thức của họ, đồng thời làm cho họ vắng bóng nhiều hơn trong gia đình. Trẻ em lớn lên và học tập trong sự giáo dục của nhà trường nhiều hơn là của cha mẹ, ông bà và gia đình. Những cảm nhận về mái ấm gia đình do vậy cũng có thể trở nên lạnh giá hơn đối với mọi thành viên trong gia đình. Những thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần phải tạo ra những điều kiện xã hội mới để làm thay đổi xu hướng sai lệch tâm thế này, nếu chúng ta muốn gia đình vẫn tiếp tục ổn định, duy trì và thực hiện được các chức năng cơ bản của nó. Ở Việt Nam, những hiểu biết của phụ nữ đã giúp họ đóng góp rất tích cực vào việc duy trì các giá trị và chuẩn mực gia đình. Trong nhiều gia đình, họ là trung tâm đoàn kết bởi tính tần tảo, chịu thương chịu khó, bởi đức hy sinh cho chồng con, bởi sự nhường nhịn và bởi cả sự khéo léo để xoa dịu các xung đột, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Phụ nữ cũng là những người sống rất tình nghĩa. Họ dạy con từ tấm bé cách ứng xử với người trên và những người xung quanh, đồng thời họ cũng nêu tấm gương cho con cái. Thực tế đã cho thấy, những gia đình không có mẹ dạy dỗ, con cái sẽ bơ vơ, mất phương hướng và điều đó ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ.
Trong dân gian cũng như trong khoa học, người ta đã khẳng định: Phụ nữ là người thầy đầu tiên của con người. Nhân cách của phụ nữ và chồng họ sẽ góp phần tạo nên nhân cách của những đứa con. Giáo dục con ngày nay không chỉ cần kinh nghiệm mà còn cần kiến thức của cha mẹ. Việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao trong gia đình đòi hỏi sự nỗ lực cao độ và công phu của cha mẹ, bởi lẽ đứa con không chỉ là người tài giỏi về chuyên môn mà còn phải có đức làm người, hiếu thảo với cha mẹ, kính trên nhường dưới, có tấm lòng nhân hậu, tình nghĩa, giúp đỡ người khác lúc khó khăn… Họ sẽ là những con người trụ cột của đất nước và gia đình trong tương lai.
GS, TS ĐẶNG CẢNH KHANH