Từ bao đời nay, người dân miền Trung luôn kiên cường chống giặc ngoại xâm và bền gan chống chọi với dông bão, quanh năm lam lũ giữa những cánh đồng ngập mặn, bươn chải trên bao triền cát trắng và bao nỗi âu lo. Không biết bao cơn bão lũ cứ thế đi qua phận người và ăn sâu vào tiềm thức. Có thể nói, nỗi đau thương, mất mát và những khó khăn do thiên tai, địch họa mà người dân miền Trung gánh chịu là rất lớn.

Đã bao lần người dân miền Trung oằn mình chống chọi với bão dông cũng là ngần ấy lần nước mắt chảy vào trong tận cùng nỗi đau. Bên những đống đổ nát, tan hoang là những ánh mắt thẫn thờ, ngây dại trên nền gạch cũ. Giữa hương trầm nghi ngút, tiếng khóc của những đứa trẻ khát sữa vì mất mẹ như cật nứa cứa vào lòng. Nước mắt người dân miền Trung chảy ngược vào trong, nhưng sau bão lũ, họ lại gắng gượng vươn lên, như cây lúa ngoi lên giữa dòng nước bạc.

 Miền Trung tiếp tục có mưa rất to, chuẩn bị đón lũ. Ảnh minh họa: VTC

Trong những lần rong ruổi theo các cánh quân về cứu hộ, cứu nạn đồng bào các tỉnh miền Trung, nhìn những cụ già, em bé hốt hoảng trong lũ dữ, tôi lại bồi hồi nhớ ngoại... Ngày ấy, lũ chồng lũ, mưa bão triền miên, ngoại lụi cụi gom đám củi ướt mèm chất dày quanh bếp lửa hết lớp này đến lớp khác để hong cho khô, giữ ngọn lửa được nhen trong mưa gió, bão bùng... Và trong lũ dữ lại có những điều kỳ diệu xảy ra. Bão tan, lũ rút, quân dân sát cánh cùng nhau khắc phục hậu quả. Tình quân dân thắm thiết xoa dịu nỗi đau, góp phần giúp làng xóm hồi sinh từng ngày...

Cơn bão này vừa tan thì những cơn bão khác đã cận kề, người dân miền Trung lại tất tưởi gánh gồng chạy bão. Mấy ngày nay xem chương trình truyền hình và nghe đài báo về tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ đã khiến đồng bào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi lại chìm trong biển nước. Tuy phải đương đầu với những khó khăn, thử thách nhưng người dân quê tôi không cảm thấy đơn độc, bởi cả cộng đồng luôn hướng về “khúc ruột” miền Trung, luôn dành cho miền Trung sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc.

Từ trong dông bão, những người lính lại hối hả về nhanh với vùng lũ. Những đôi chân trần, chí thép không quản khó khăn, gian khổ, sẵn sàng ngược thác, băng đèo cứu dân. Và hình ảnh người chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống “giặc lũ” làm ấm lòng người dân vùng tâm bão. Những ngày qua, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) dầm mình giữa dòng nước bạc, len lỏi khắp các ngõ xóm để kịp thời đưa 200 người dân vùng ngập lũ Liên Chiểu (Đà Nẵng) đến nơi tránh trú an toàn. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc bộ CHQS, Bộ đội Biên phòng, lực lượng dân quân các tỉnh, thành phố đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân chạy lũ.

Miền Trung đang dầm mình trong lũ. Đau thương, mất mát nối dài trên từng hạt đất hằn in bao số phận người trên mảnh đất nước hình chữ S như ngàn đời nay vẫn thế. Vâng, dải đất miền Trung là vậy, con người miền Trung là thế-cứ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng bão dông, chịu đựng bao khó khăn, vất vả; gồng gánh bao nỗi khổ đau những họ vẫn luôn kiên cường bám trụ, âm thầm chịu đựng và sinh tồn.

Gạt dòng nước mắt, ghìm nén những xúc động, nụ cười lại rạng rỡ trên từng gương mặt của người dân quê tôi. Có lẽ vì đồng cảm với đất và người miền Trung, thế nên quân và dân cả nước luôn hướng về miền Trung với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. Dẫu xa muôn trùng, tình Nam-nghĩa Bắc, chung một tấm lòng hướng về miền Trung.

PHAN TIẾN DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.