Nghệ nhân Ma Văn Vịnh năm nay 81 tuổi, ở thôn Phiêng Dường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, ông đã cất công sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép tỉ mỉ những làn điệu dân ca Tày Bắc Kạn làm tư liệu. Sự nghiệp của NNƯT Ma Văn Vịnh gắn bó với ngành giáo dục từ năm 1962 đến 1990. Khoảng thời gian nghỉ hưu là lúc ông chuyên tâm, dành thời gian và niềm say mê để tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những làn điệu dân ca Tày và các lễ tục người Tày ở địa phương. Tính đến nay, NNƯT Ma Văn Vịnh đã có 7 đầu sách được xuất bản, như: “Bài hát đồng dao Tày, tục ngữ, thành ngữ”; “Lễ hội lồng tồng Việt Bắc”; “Then di cung đế thích”; “Lễ tục người Tày”...

Được thừa hưởng mạch nguồn dân ca dồi dào, đằm thắm của quê hương, bởi thế mà những làn điệu dân ca dân tộc Tày ngấm vào hơi thở và từng nhịp đập con tim ông từ thuở ấu thơ. “Những làn điệu dân ca Tày rất đặc biệt, vừa dễ sáng tác vừa dễ vận dụng, lời ca gần gũi, bao hàm giá trị nhân văn sâu sắc khiến tôi không ngừng tìm hiểu và càng trân trọng văn hóa người Tày...”, nghệ nhân Ma Văn Vịnh chia sẻ và cho biết sự say mê làn điệu dân ca này ông được thừa hưởng từ người mẹ. Mẹ ông từng có 18 năm đi hát lượn, dù bà mù chữ nhưng thuộc làu hàng trăm câu hát lượn, hát then, thơ lẩu.

leftcenterrightdel
Ông Ma Văn Vịnh (thứ hai, từ phải sang) được trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, tháng 12-2022. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Một người nữa có vai trò quan trọng, đã ủng hộ, truyền cảm hứng cho NNƯT Ma Văn Vịnh là nhà văn Nông Viết Toại, người tạo động lực lớn lao giúp ông say mê tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu dân ca Tày. Cùng nỗi niềm trăn trở, lo âu về việc dân ca Tày của Bắc Kạn đang dần mai một càng thôi thúc người say mê dân ca Tày như ông thêm miệt mài nghiên cứu. Không chỉ am hiểu về dân ca Tày, NNƯT Ma Văn Vịnh còn am hiểu về văn hóa, lễ hội, tập tục của người Tày.

Nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu văn hóa, các làn điệu dân ca Tày, nghệ nhân Ma Văn Vịnh cho rằng, không chỉ riêng ông mà tất cả những ai biết hát dân ca Tày đều phải biết truyền dạy cho thế hệ trẻ để gìn giữ di sản của ông cha ta để lại. Cá nhân ông được nhiều người trong vùng tìm đến học hỏi, sưu tầm các làn điệu hát then, lượn. Gần đây, NNƯT Ma Văn Vịnh tham gia lớp dạy hát lượn slương cho 3 tổ hát ở các xã: Bình Văn, Yên Hân và Yên Cư của huyện Chợ Mới do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn tổ chức. Mỗi khi truyền dạy cho học viên lại cho ông niềm vui khi thấy mọi người nhiệt tình học hát bằng niềm yêu thích, mê say.

“Điều tôi trăn trở nhất là phải gìn giữ được những làn điệu dân ca Tày, vì vậy, không chỉ bản thân tôi mà tất cả mọi người đều có trách nhiệm lan tỏa những câu then, lượn, phong slư... đến các thế hệ sau. Đó là cách chúng ta bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước công nhận”, NNƯT Ma Văn Vịnh chia sẻ.

PHÚC ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.