Rất may, ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh và sớm đưa chương trình cồng chiêng cuối tuần hoạt động trở lại.

Chương trình cồng chiêng cuối tuần được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức từ cuối tháng 4-2022 và được duy trì đến giữa năm 2023 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ cuối tháng 7-2023 đến hết năm 2023, chương trình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thông qua Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai biểu diễn tại chương trình cồng chiêng cuối tuần. 

Chương trình được tổ chức từ 19 giờ đến 21 giờ vào tối thứ 7 hằng tuần tại quảng trường Đại đoàn kết (TP Pleiku, Gia Lai) do các nghệ nhân cồng chiêng ở các thôn, làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai thực hiện. Qua gần 2 năm hoạt động, chương trình không chỉ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Gia Lai mà còn là một hình thức bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, được đông đảo nhân dân, du khách, doanh nghiệp lữ hành, các nhà nghiên cứu đánh giá cao.

Hiếm thấy một hoạt động văn hóa kéo dài gần 2 năm mà được người dân yêu mến, đón đợi như cồng chiêng cuối tuần. Chính quyền và người dân Gia Lai luôn tự hào với văn hóa cồng chiêng, xem đây là một nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội. Thực tế cho thấy, các sự kiện liên quan đến cồng chiêng được tỉnh Gia Lai tổ chức trong năm 2023 như: Tuần lễ văn hóa-Du lịch Gia Lai; Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai; Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển; Cồng chiêng cuối tuần… đã góp phần thu hút 1,2 triệu lượt khách, tăng 25% so với năm 2022, đưa tổng thu du lịch ước đạt 790 tỷ đồng.

Vì vậy, chương trình cồng chiêng cuối tuần phải dừng lại trong thời gian qua, thời điểm đẹp nhất ở Tây Nguyên vì bất kỳ lý do gì cũng rất đáng tiếc. Nhất là khi tỉnh Gia Lai đã có Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên giai đoạn 2023-2025” và xác định chương trình cồng chiêng cuối tuần là một hoạt động thường xuyên. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần phải có một kế hoạch tổng thể, chặt chẽ, bài bản từ bố trí kinh phí, địa điểm, không gian tổ chức đến hỗ trợ, động viên, huy động các đoàn nghệ nhân tham gia và truyền thông phát huy giá trị, “sức mạnh mềm” của văn hóa cồng chiêng.

Tin, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.