Đặc biệt, tên tuổi của ông lại càng trở nên nổi tiếng khi ông là người vẽ tác phẩm “Sao la” được chọn là linh vật biểu tượng của SEA Games 31 năm 2022 tổ chức tại Việt Nam.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi từng có 4 năm trong quân ngũ, sau khi tham gia phục vụ chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979, ông chuyển vào làm kinh tế tại một đơn vị ở phía Nam. Thời gian này, ông làm thủ thư và thường xuyên có cơ hội được đọc các truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và mê những bức vẽ của các họa sĩ như: Văn Đa, Huy Toàn, Lê Trí Dũng, Thành Chương, Quách Đại Hải... Chính vì thế, khi ra quân, ông đã thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để viết tiếp ước mơ hội họa. Công việc tại nhà xuất bản (Nhà xuất bản Ngoại văn, sau này là Nhà xuất bản Thế giới rồi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) đã cho ông có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những tác phẩm văn học, với cuốn sách và rồi nhiệm vụ cùng với tình yêu, cơ duyên dẫn lối, ông đã gắn bó và tạo nên “thương hiệu” của một họa sĩ vẽ minh họa.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, việc đầu tiên của họa sĩ khi làm bìa sách là phải đọc, đồng cảm và chọn hình tượng, bố cục thế nào cho hợp lý. Người vẽ minh họa ngoài vẽ tranh còn phải vừa bố cục để dành phần đất nhất định cho tên sách. Khi đó, đòi hỏi người vẽ minh họa không chỉ có óc tư duy của một họa sĩ mà còn có óc tư duy của người thiết kế đồ họa. Việc sắp xếp chữ và các thông tin cần thiết trên bìa sách phải được tiên lượng một cách tỉ mỉ, chuẩn xác, khoa học và hợp lý. “Mấy chục năm trước, khi mới ra trường, tôi có vẽ minh họa cho cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài in ở Nhà xuất bản Thế giới. Ngày đó, cách vẽ của tôi còn rất vụng về, hồn nhiên nhưng rồi không hiểu sao sau đó một nhà xuất bản nước ngoài khi in truyện này bằng ngôn ngữ của họ đã lấy bức vẽ của tôi làm minh họa, trong khi tôi biết có rất nhiều họa sĩ vẽ minh họa cho “Dế mèn phiêu lưu ký” rất đẹp, như: Hồ Quảng, Tạ Huy Long, Thành Chương... Sau này, tôi tìm hiểu và được biết họ chọn tác phẩm của tôi vì có nét ngộ nghĩnh riêng. Điều này làm tôi hết sức bất ngờ, hạnh phúc”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi kể.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi vẽ minh họa cho tác phẩm văn học như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày, vì mỗi số báo “đến hẹn lại lên” khiến ông luôn cấp tập với công việc được đặt hàng. Ông không nhớ nổi mình đã vẽ minh họa cho bao tác phẩm văn học nhưng độc giả thì luôn nhớ đến những nét vẽ đầy tinh tế, uyển chuyển như “thổi” cho tác phẩm một nguồn sinh khí mới, một “đời sống” mới. Theo ông, để có bức vẽ minh họa phù hợp với tác phẩm văn học, đòi hỏi họa sĩ phải có vốn sống về những vấn đề trong tác phẩm văn học đề cập đến. “Điều quan trọng nhất là phải có cảm xúc sau khi đọc tác phẩm văn học, phải hiểu được ý tưởng, thông điệp của nhà văn gửi qua tác phẩm. Vẽ cho tác phẩm văn học không có nghĩa là kể lại bằng hình ảnh một cách thô thiển, hữu hình mà đôi khi gợi mở, tạo liên tưởng, “chắp cánh” cho tác phẩm bay lên”, ông nhấn mạnh.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng, minh họa báo chí thu hút sự chú ý tức thì của độc giả. Một minh họa tốt sẽ “giữ chân” độc giả và dẫn dụ họ đến với truyện, với câu chữ. Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc giữa tác giả với họa sĩ, giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc. Nhưng ông cũng hiểu hơn ai hết, xu hướng báo chí đang có sự thay đổi chóng mặt, họa sĩ phải có tác phong báo chí để có những bức họa nhanh vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa phù hợp với nội dung câu chuyện, bài báo và tính chất mỗi tờ báo. Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo ra đời là mối đe dọa lớn với người vẽ minh họa. Vì vậy, để khẳng định vị trí không thể thay thế, người vẽ minh họa phải luôn tìm tòi, đổi mới chất liệu, có bản lĩnh, tay nghề vững vàng và đặc biệt phải có khả năng phóng tác tức thì.

ĐĂNG KHOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.