Và dĩ nhiên, chiếc bánh mật lủng liểng bên hông cũng theo chân những thợ cày, thợ cấy xuống đồng gieo ước vọng ngày mùa.
Bánh mật được lũ trẻ quê tôi gọi vui là bánh “lựu đạn” bởi cặp bánh có hình dáng hao hao giống trái lựu đạn và người dân quê tôi cũng thường đeo một xâu bên hông khi đi cấy dưới đồng. Không biết ở các vùng quê khác có loại bánh này hoặc mang tên gọi khác không? Chỉ biết ở quê tôi, bánh mật đã có từ xa xưa. Các cụ lớn tuổi cũng nói lại với con cháu, bánh mật Cẩm Vân, chè lam Phủ Quảng… là những món ăn được coi như quân lương thuở xa xưa từng theo cha ông đánh giặc.
Những chiếc bánh mật ngọt thơm hương vị quê nhà.
Ngày nay, bánh mật quê tôi vẫn giữ được sự dân dã, dễ làm, dễ bảo quản và rất hữu ích trong ngày mùa cày cấy đầu năm. Bánh được làm từ bột gạo nếp với mật mía, nhân đỗ và một ít thịt mỡ. Nói là dễ làm thì cũng chưa hẳn mà cầu kỳ thì cũng không đúng. Làm món bánh này không đòi hỏi nhiều sự khéo léo mà phải có chút kinh nghiệm kết hợp với công thức pha chế hài hòa giữa tỷ lệ bột gạo nếp với mật mía để cho bánh có một dư vị ngọt ngào, ngầy ngậy thơm ngon.
Trước đây, khi chưa có máy xay, máy nghiền, bột làm bánh mật được những thanh niên trai tráng trong làng giã nhuyễn bằng cối đá. Sau khi bột đã mịn, mật mía loại ngon nhất đã cô đặc được trộn đều với bột để có một thứ bột hồ đặc quánh. Bột này sẽ được nặn thành những viên vừa bằng nắm tay. Nhân bánh là đỗ xanh trộn với thịt mỡ. Thường thì mẻ bánh mật sẽ được gói cùng lúc với bánh chưng ngày ba mươi Tết. Vì thế nhiều nhà còn tận dụng nhân bánh chưng còn lại để làm nhân cho bánh mật. Công đoạn cuối cùng là gói bánh. Những phiến lá chuối loại già nhất được chọn từ mùa hè đã khô nhưng vẫn bảo đảm độ dẻo được dùng để gói. Cái hay của bánh mật là mỗi chiếc bánh thường có hai phần bằng nhau. Vì thế có người còn gọi là bánh đôi hay bánh vợ, bánh chồng.
Bánh sau khi thành hình hài sẽ được đưa vào chõ đồ xôi đặt lên bếp cạnh nồi bánh chưng. Nếu như bánh chưng phải đun qua đêm mới chín thì bánh mật chỉ cần “ké” hơi nóng của nồi bánh chưng chừng hai ba tiếng là đã chín nhừ. Khi mùi thơm ngầy ngậy, ngọt đều trong chõ đồ bánh bốc ra cũng là lúc bánh đã chín. Bánh mật ít khi được dùng ăn ngay trong ngày Tết, nhưng khi đặt bánh chưng lên bàn thờ tổ tiên sẽ không thể thiếu được những chiếc bánh mật đi kèm. Và trong những túi quà Tết mà người dân quê tôi tặng nhau cũng luôn có mặt chiếc bánh mật ngọt thơm.
Điều khác biệt của loại bánh này là ăn nguội sẽ cho vị ngon hơn ăn nóng. Vì thế, bánh thường được để ra Giêng mới mang ra sử dụng. Bánh có thể dùng như một món ăn thay bữa sáng hay chỉ là để ăn chơi. Thế nhưng, với người dân quê tôi, những lúc ra đồng, khi lội lên từ những ruộng bùn lạnh cóng, bánh sẽ được chuyền tay nhau như món ăn để lấy lại sức và giúp ấm bụng hơn. Đặc biệt, ở những cánh đồng xa, bánh mật còn được dùng thay cho những bữa ăn trưa của các thợ cày, thợ cấy.
Đã bao năm qua, bánh mật như một thứ đặc sản không thể thiếu mỗi dịp đầu năm của người dân quê tôi. Những chiếc bánh còn dư vị ngọt ngào ngày Tết theo chân các mẹ, các chị xuống đồng cho những cây mạ non cựa mình trong đất.
Bài và ảnh: DUY VĂN