Lao vào điểm nóng
Bão Yagi chưa đổ bộ vào đất liền, phóng viên Báo QĐND đã đón lõng ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Khi lũ dữ tràn về, phóng viên tòa soạn lập tức có mặt ở Lào Cai, Yên Bái cho tới Lai Châu, Sơn La... Cầu Phong Châu (Phú Thọ) vừa sập, phóng viên Báo QĐND đã có mặt tại hiện trường, đưa tin sớm nhất trong làng báo để phục vụ bạn đọc.
Những buổi giao ban Báo QĐND vào buổi sáng, nhìn hàng cây ở vườn hoa Vạn Xuân, rồi những cây sấu, xà cừ ở phố Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đổ gục bởi bão Yagi, các tốp phóng viên càng nóng lòng lên đường. Những lời căn dặn, động viên từ Ban biên tập, chỉ huy phòng, ban như tiếp thêm sinh khí cho phóng viên Báo QĐND nơi thực địa. Trân quý biết bao, là sự gợi mở, ghi nhận, định hướng từ thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các cấp giúp những người làm báo QĐND thêm vững dạ, ấm lòng. Thăm và làm việc với Báo QĐND vào chiều 10-10-2024, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã ghi nhận và mong muốn: Ở đâu gian khó, bão lũ, thiên tai, tôi cũng thấy có mặt phóng viên Báo QĐND. Các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam, truyền thống của QĐND anh hùng, tập trung xây dựng cơ quan vững mạnh, toàn diện, nền nếp, khoa học; thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Báo QĐND trở thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; xây dựng môi trường văn hóa báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, góp phần kiến tạo dư luận xã hội tích cực, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Lại nhớ, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, kể từ ngày 31-5-2021, bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì không lâu sau đó, tốp phóng viên Báo QĐND là những cây bút, tay máy có mặt sớm nhất trong giới truyền thông, thường xuyên và trực tiếp tác nghiệp tại những điểm nóng ở TP Hồ Chí Minh, không chỉ mang đến thông tin thời sự cho bạn đọc mà còn chia sẻ tư liệu cho các báo, đài bạn.
Và cũng nhờ sự phối hợp nhạy bén, ăn ý giữa các phòng, ban, vụ giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (năm 2014), được Báo QĐND Điện tử thông tin nhanh nhất, chính xác nhất tới bạn đọc. Rồi khi xảy ra sự cố Formosa (Hà Tĩnh, năm 2016), nhóm phóng viên Báo QĐND cũng lập tức có mặt tại địa bàn, có ngay vệt bài để trấn an dư luận.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 tích cực tìm kiếm người mất tích tại thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai). Phóng viên ảnh Ngô Việt Trung (Báo QĐND) chụp ngày 12-9-2024. |
Anh em phóng viên vất vả tác nghiệp, túc trực ngày đêm ngoài hiện trường thì ở tòa soạn, những cuộc họp giao ban, họp đột xuất cũng "nóng" không kém. Triển khai phóng viên đi hướng nào, cân đối-luân chuyển lực lượng phóng viên ra sao, chọn sự kiện tuyên truyền... luôn được Ban biên tập cùng đội ngũ cán bộ của Báo QĐND bàn thảo kỹ lưỡng. Ai nấy đều xác định rõ: Anh em phóng viên xung phong tác nghiệp nơi dông bão, lũ lụt, sạt lở, cháy rừng, thảm họa môi trường, dịch bệnh... thì người "ở nhà" phải thấu hiểu, để phối hợp công việc trên tinh thần hỗ trợ cao nhất, đúng như lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”.
Sứ mệnh cao cả
Đọc những dòng thông tin về lũ quét, sạt lở, về tinh thần quả cảm của bộ đội và những lực lượng cứu hộ từ đồng đội-đồng nghiệp trong và ngoài Quân đội tác nghiệp ở thôn Làng Nủ (Lào Cai), sập cầu Phong Châu..., tôi lại nhớ về những chuyến đi phòng, chống bão lũ, cứu trợ đồng bào bị thiên tai dịch họa, để thêm nghiền ngẫm về sự dấn thân của nhà báo chiến sĩ.
Vào những ngày tháng 10-2016, khi Hà Tĩnh, Quảng Bình bị thiệt hại nặng do lũ lụt, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Báo QĐND (do Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó tổng biên tập, làm trưởng đoàn; nay là Thiếu tướng, Tổng biên tập Báo QĐND), cùng các doanh nghiệp đồng hành kịp thời thăm hỏi, động viên, trao quà tặng nhân dân trên địa bàn. Tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), thay mặt 1.000 hộ dân trong xã nhận hàng cứu trợ của đoàn công tác, đồng chí Lê Ngọc Sơn (Phó chủ tịch UBND xã Hưng Trạch) phát biểu: “Quảng Bình quê ta nắng chưa dứt, mưa đã tới. Mưa chưa hết, bão lũ đã về. Đáng ra gạo này, tiền này của đồng bào miền Nam, của Báo QĐND phải để dành gửi ra biên giới, hải đảo, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Nhưng nay không may người dân Hưng Trạch nói riêng, Quảng Bình nói chung bị lũ lụt, chúng ta nhận phần quà này nhưng không quên những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, không quên công ơn của đồng bào miền Nam đã góp gạo ủng hộ chúng ta. Những người con Quảng Bình hứa sẽ một lòng trung thành với Đảng, nhanh chóng vượt qua khó khăn để vững tin tiến lên phía trước”.
Chào bà con Quảng Bình, đoàn công tác gấp rút lên đường. Đến cầu Phúc Đồng (xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh), mọi người xuống xuồng, vượt qua sông Ngàn Trươi, quặt sang sông Ngàn Sâu để mang hàng cứu trợ tới những hộ dân ở xã Phương Mỹ. Thời điểm đó, huyện Hương Khê có 9 xã bị cô lập, trong đó 5 xã mất điện hoàn toàn, cùng hơn 2.500 hộ dân bị ngập lụt. Xuồng vượt sóng khoảng 30 phút thì đến nhà dân đầu tiên. Gia đình anh Nguyễn Hải-một trong những hộ bị ngập nặng, tay run run đón nhận hàng cứu trợ tình nghĩa của đoàn công tác. Nhìn lên gác xép, (đến giờ) tôi vẫn nhớ đôi mắt mẹ anh Hải ngấn lệ.
Mưa to, sóng dềnh, xuồng khó tiếp cận nhà dân, đồng chí Đoàn Xuân Bộ vừa vuốt nước mưa táp vào mặt, vừa động viên anh em cố gắng mang được gạo, đồ ăn, nước uống đến những hộ dân bị ngập nặng nhất. Vốn là dân sông nước, ông Bùi Đình Bắc cơ động đi thuyền ra nhận gạo, cho hay: “Mấy ngày qua, gia đình chỉ ăn mì ăn liền. Bữa nay có gạo rồi, vợ con tôi sẽ phấn khởi lắm. Cảm ơn Báo QĐND cùng các nhà hảo tâm đã kịp thời giúp đồng bào Phương Mỹ những phần quà thiết thực, ý nghĩa”.
 |
Phóng viên Báo QĐND Phan Thanh Hà tác nghiệp tại Tuần Châu, Quảng Ninh, sau khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền. Ảnh: PH
|
Trước đó, khi xe đang bon bon trên đường Hồ Chí Minh, hướng về huyện Hương Khê thì người dân xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) ra dấu đường ngập nặng, xe không qua được. Các thành viên trong đoàn công tác sau khi tỏa ra các hướng hỏi người dân, về lên phương án: Hoặc đợi nước rút (mất khoảng 2-3 tiếng), hoặc quay xe theo Quốc lộ 1A để đến Hương Khê trong thời gian sớm nhất. Cuối cùng, đồng chí trưởng đoàn chốt: Quay xe lại, chứ trong thời gian chờ nước rút, trời đổ mưa lớn thì sao?
Đúng lúc đó, có 3 thanh niên từ trên rừng lết xuống. Họ đi rừng kiếm mật ong, cây thuốc nam nhưng không may cả tuần trời mưa lớn, vừa đói vừa lạnh và cũng chưa biết cách nào để về nhà nếu đường tiếp tục ngập nặng. Đoàn công tác Báo QĐND trao cho 3 thanh niên một bịch lương khô, mì ăn liền cùng kẹo gừng, nước ngọt. Lúc đó, người lớn tuổi nhất điện thoại về cho vợ, nói qua tình cảnh và "khoe" được các anh ở Báo QĐND cho đồ ăn để người nhà yên tâm. Tiếng người vợ vọng ra từ điện thoại: “Gia đình ta biết ơn các anh ý nhiều. Anh gắng về nhà trong tối nay. Mẹ con em chờ anh, cả nhà mình cùng ăn cơm”.
Mỗi lần có phóng viên Báo QĐND hối hả lên đường làm nhiệm vụ, tôi thầm nghĩ, sẽ có những người vợ, người chồng, người con (và ông bà) bên mâm cơm ngóng chờ đồng nghiệp của mình. Nhưng với lý tưởng cao đẹp “vì nhân dân phục vụ”, đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo QĐND đâu ngại hiểm nguy, gian khó, vẫn đang nỗ lực dấn thân, xung kích để tiếp bước truyền thống tự hào của tờ báo hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.
ĐÌNH HÙNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.