Theo bà Trần Thị Tuyết Chinh có 30 năm nương nhờ cửa phật, cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Huy Văn thờ phật, nhưng đặc biệt là có điện thờ thần và đền thờ mẫu. Trong đó, ngôi tam bảo thờ tam thế phật, Vua Lê Thái Tông, tượng của Nguyễn Trãi và vợ Nguyễn Thị Lộ. Điện là nơi thờ Vua Lê Thánh Tông, bài vị Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và hoàng hậu.

leftcenterrightdel

Điện thờ Vua Lê Thánh Tông trong chùa Huy Văn. 

Theo bi ký của chùa Huy Văn, chùa được xây dựng từ thế kỷ 15. Ngày ấy, một phi tần của Lê Thái Tông là Ngô Thị Ngọc Dao đang mang bầu bị hoàng hậu ghen ghét nên phải lánh nạn ở chùa này. Ngọc Dao mộng thấy Thượng Đế cho một tiên đồng xuống đầu thai rồi sinh được một con trai đặt tên là Lê Tư Thành. Từ nhỏ, Lê Tư Thành đã nổi tiếng thông minh, có tài ứng thơ. Khi Lê Thái Tông mất, con thứ là Lê Bang Cơ lên làm vua, hiệu là Lê Nhân Tông. Lê Nhân Tông làm vua từ năm 1442 đến năm 1459 thì bị anh trai là Lê Nghi Dân giết và cướp ngôi. Các đại thần sau đó đã phế bỏ Lê Nghi Dân và đón Lê Tư Thành về làm vua.

Sau khi lên ngôi, Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tông) tôn mẹ làm Quang Thục Hoàng thái hậu, cho sửa lại chùa Huy Văn và cho dựng ngay trước chùa một ngôi điện để Hoàng thái hậu ở, gọi là điện Dục Khánh (ngụ ý đây là nơi dưỡng dục vua). Triều đại Vua Lê Thánh Tông là giai đoạn thịnh vượng, thực hiện được nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, văn hóa. Vua Lê Thánh Tông là người đã minh oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ chi viên, sáng lập ra hội Tao Đàn gồm 28 vị đại thần khoa bảng, gọi là Nhị thập bát tú, mà vua đích thân làm Tao Đàn đô nguyên soái.

Vua Lê Thánh Tông đã mở rộng bờ cõi nước Đại Việt vào tận núi Thạch Bi, Đại Lãnh, ban hành Bộ luật Hồng Đức, cho vẽ Hồng Đức bản đồ, đặt lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám để tôn vinh sự học. Ngoài việc trị nước, ông còn là một nhà thơ tài hoa, để lại nhiều tác phẩm văn học giá trị, đặc biệt là Hồng Đức quốc âm thi tập.

Sư thầy Thích Đàm Luyện, trụ trì chùa Huy Văn cho biết, sau khi Quang Thục hoàng thái hậu mất, Vua Lê Thánh Tông đã cho đúc tượng và chuông đồng thờ tại chùa Huy Văn, nhưng hiện đã bị thất lạc. Hiện vật quý giá nhất trong chùa Huy Văn hiện tại là bức tượng Vua Lê Thánh Tông mặc hoàng bào, cùng bức hoành phi “đế vương hữu chân” (ý chí Vua Lê Thánh Tông sinh ra tại chùa Huy Văn). 

Năm 1985, thành phố Hà Nội đã tu bổ lại chùa Huy Văn theo những kiến trúc còn thấy được. Sư trụ trì thời điểm đó cùng các sư tu hành đã làm đơn kiến nghị di dời nhà dân để tu bổ cảnh quan trong chùa. Năm 1996, chùa Huy Văn được xếp hạng là di tích quốc gia. “Theo lệ, cứ đến ngày 30 tháng Giêng, người dân phường Huy Văn tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tưởng nhớ Vua Lê Thánh Tông-đấng minh quân của nước Đại Việt”, sư thầy Thích Đàm Luyện cho biết.

Bài và ảnh: HOA LƯ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.