Dựa vào thế núi, mạch rừng và hệ thống sông ngòi, bao đời qua, nhân dân An Giang đã anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc bờ cõi miền biên viễn phía Nam Tổ quốc!

An Giang anh hùng, nhưng đây cũng là miền đất chịu nhiều đau thương, liên miên chinh chiến từ thời cha ông mở cõi cho đến cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cứu nước suốt hơn 3 thế kỷ. An Giang là tỉnh giải phóng sau cùng của miền Nam, lại là địa phương chịu thiệt hại nặng nề khi phải gánh chịu cuộc thảm sát của Khmer Đỏ ở vùng ven biên giới Tây Nam và sau đó là bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam suốt nhiều năm liên tiếp.

 Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Trí nói chuyện truyền thống với các chiến sĩ Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 892, Bộ CHQS tỉnh An Giang. Ảnh: Trần Kim Luận.

Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, An Giang luôn là nơi nhen nhóm lên những phong trào quy tụ sức mạnh nhân dân đứng lên khởi nghĩa. Từ ngày chi bộ đầu tiên của tỉnh ra đời tháng 3-1930, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày một phát triển mạnh. Nhiều người mẹ đã gửi con mình cho tổ chức, đưa con vào căn cứ kháng chiến, rồi tiễn con lên đường đi tập kết hoặc tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Miền Nam được giải phóng, niềm vui sum họp chưa được bao lâu thì mẹ lại tiễn con lên đường chống giặc xâm lược biên cương. Theo lời kêu gọi sự giúp đỡ của nước bạn, những đứa con của mẹ lại lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh đuổi bọn diệt chủng, giúp nước bạn hồi sinh. Trong những lần tiễn con lên đường ra trận đó, không ít lần những đứa con của mẹ đi mãi không về, có người trở về nhưng đã để một phần thân thể trên chiến trường. Mồ hôi, xương máu của những người con An Giang không chỉ tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc mà còn góp phần mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Trí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang, kể: "Những năm chiến tranh, việc chăm sóc cho thương binh, gia đình liệt sĩ luôn được coi là một mặt công tác quan trọng. Điều này luôn được cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh An Giang coi là nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm cách mạng. Từ hạt muối, lon sữa cũng đều dành cho thương binh. Trận chiến có khốc liệt đến mấy thì cũng cố gắng quy tập, đưa liệt sĩ về an táng chu đáo". Sau này, khi đã nghỉ hưu, Đại tá Huỳnh Trí và nhiều đồng đội của ông đã trở về chiến trường xưa, cất bốc và quy tập hài cốt các liệt sĩ đưa về yên nghỉ tại quê nhà. Đại tá Huỳnh Trí cho hay: “Ngay khi vừa giải phóng, Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang đã cho xây dựng nghĩa trang liệt sĩ khang trang, thành lập các đội quy tập hài cốt liệt sĩ về đất mẹ, sau này là các đội K90, K93”.

Nhiều đội quy tập hài cốt liệt sĩ đã được thành lập ngay những năm đầu sau giải phóng, quy tập hàng nghìn hài cốt về yên nghỉ trong các nghĩa trang của tỉnh. Đến nay, tỉnh An Giang đã xây dựng, quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ với gần 14.530 mộ liệt sĩ, trong đó có gần 2.130 mộ đầy đủ thông tin, hơn 5.970 mộ biết một phần thông tin và gần 6.430 mộ chưa biết thông tin. Các nghĩa trang đều được xây dựng khang trang, chăm sóc chu đáo, ấm áp nghĩa tình. 

Có dịp trò chuyện với những anh chị quản trang ở nghĩa trang liệt sĩ của các địa phương trong tỉnh, tôi cảm thấy ở các anh chị luôn thể hiện tấm lòng hết sức thành kính và sâu sắc dành cho người đã khuất. Những câu chuyện tôi được nghe kể từ các anh, các chị luôn làm tôi xúc động. Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc, tôi nghe được câu chuyện rằng, cứ vài tháng lại có người đàn ông đến viếng một nhóm mộ của 10 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Chỉ có thông tin các anh ở một đơn vị từng chiến đấu và hy sinh, được nhân dân chôn cất bên bờ kênh Vĩnh Tế, sau này được quy tập về đây. Người đàn ông hay đến thăm mộ thực ra không phải là thân nhân liệt sĩ mà là một cậu bé năm nào suýt bị chết đuối giữa dòng kênh, may mà được các chú bộ đội cứu mạng. Cậu bé nhớ từng gương mặt mỗi người cho đến lúc các chú hy sinh. Khi các chú, các anh được đưa về nghĩa trang yên nghỉ, cậu bé năm nào bây giờ tóc bạc như mây, tay chân đã yếu vì cơn tai biến, thế nhưng vẫn không quên đến thăm viếng các chú, các anh.

Đại tá Huỳnh Trí kể, có chiến sĩ trước khi hy sinh đã thổ lộ với ông rằng, mình vẫn còn đau đáu nỗi niềm lo lắng cho đứa con thơ, mong sao con ăn học đến nơi đến chốn. Nỗi lo lắng đó của những người nằm xuống đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chăm sóc; kế thừa sự cống hiến của các anh, các chị, tiếp tục chăm lo cho thân nhân liệt sĩ một cách nhân văn, chu đáo. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là sau giải phóng, tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều chính sách chăm lo cho thân nhân liệt sĩ. Cha mẹ, vợ con và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ nhiều mặt, xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng tuy tuổi cao nhưng vẫn luôn là tấm gương sáng về đức hy sinh và nghị lực phi thường cho thế hệ cháu con tiếp bước, noi theo...

Không ỷ lại sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ đã vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất. Họ nhắc nhở nhau: “Cha anh mình làm cách mạng, mình cũng phải sống tử tế và noi gương cha anh vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và luôn giữ gìn truyền thống gia đình, tiếp tục lao động sản xuất trên chính mồ hôi, sức lực của mình để nuôi gia đình và đóng góp xây dựng xã hội”. Họ tiếp nối cha anh-những người đặt từng viên gạch xây nên giá trị của hòa bình và niềm tin vào Đảng!

Ghi chép của LÊ QUANG TRẠNG