Đồng hành trong dòng chảy đó, văn nghệ sĩ lĩnh vực nghệ thuật sân khấu đã có một số tác phẩm nghệ thuật về đề tài Điện Biên Phủ đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, đồng hành với lịch sử và được đông đảo công chúng yêu thích.

Trước hết, cần nhắc đến vở chèo “Mối tình Điện Biên” của tác giả Lưu Quang Thuận (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật), được coi là viên ngọc quý của sân khấu chèo và ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1958, lãnh đạo văn nghệ có chủ trương cho anh em văn nghệ sĩ đi thực tế dài ngày tại các địa phương. Đoàn của tác giả Lưu Quang Thuận gồm có: Nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, họa sĩ Đông Lương, Thân Trọng Sự... đến với Điện Biên và ở đây suốt nửa năm trời. Ông cùng các đồng nghiệp làm việc và sinh hoạt với một đơn vị bộ đội có nhiệm vụ làm kinh tế thuộc nông trường Điện Biên. Chuyến đi dài ngày đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên và vở chèo “Mối tình Điện Biên” ra đời (Đoàn Chèo Tổng cục Chính trị-nay là Nhà hát Chèo Quân đội và Đoàn Chèo Hà Nội-nay là Nhà hát Chèo Hà Nội dựng năm 1959). Tác giả Lưu Quang Thuận từng có những dòng chia sẻ về tác phẩm tâm đắc của ông: “Viết “Mối tình Điện Biên”, tôi tha thiết muốn diễn tả được một phần nhỏ nào đó mối tình quân dân chan chứa như nước suối cây rừng, nó là sức mạnh của Điện Biên Phủ ngày nay cũng như trước kia. Trong thực tế lớn lao của quân dân Điện Biên Phủ kiến thiết hòa bình, tôi cố gắng đưa vào vở chèo một số sự việc đã làm tôi rung cảm nhất: Bộ đội giúp dân làm nhà sau ngày chiến thắng; công binh gỡ mìn cho từng thước sân bay... Viết về Điện Biên Phủ 1954-1958 mà bỏ qua những người ấy, việc ấy thì tôi không thể yên lòng... "Mối tình Điện Biên” là một bài thơ sân khấu đằm thắm tình người, mà ở đây là tình nghĩa cao đẹp của những con người mới, được nảy nở, vun đắp trong một hoàn cảnh lịch sử mới, trong một cuộc sống mới".

leftcenterrightdel
 Hình ảnh trong vở “Điện Biên vẫy gọi” của Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.Ảnh: VIỆT LAM 

Vào lúc máy bay B-52 giội bom xuống Thủ đô Hà Nội, lúc "Điện Biên Phủ trên không" đang diễn ra, tạo cho tác giả Tất Đạt cảm xúc viết về Điện Biên Phủ-Tây Bắc bất hủ năm xưa. Lửa khói B-52, những chiếc pháo đài bay tan xác trên trời đêm Hà Nội, những đêm ấy, ông đã hoàn thành vở “Bài ca Điện Biên”. Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-1984), Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở “Bài ca Điện Biên”, do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Doãn Hoàng Giang làm tổng đạo diễn, với sự tham gia của gần 270 diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam cùng các đoàn văn hóa nghệ thuật của Quân đội, Công an, sinh viên trường sân khấu... tái hiện thời kỳ chiến đấu gian khổ cho đến chiến thắng hào hùng của quân và dân ta.

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vở diễn “Thông điệp từ Điện Biên” (tác giả: Nguyễn Khắc Phục, tổng đạo diễn: NSND Lê Hùng, cố vấn nghệ thuật: NSND, TS Đình Quang) vừa hoành tráng, vừa chân thật với sự đầu tư công phu và hiệu quả về nhiều mặt, đã tái hiện chiến thắng lịch sử vang dội của ý chí và niềm tin. Cùng với vở diễn “Thông điệp từ Điện Biên”, NSND Lê Hùng còn đạo diễn vở “Nhiệm vụ hoàn thành”, khắc họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vở diễn này đều đã đoạt giải thưởng lớn trong những cuộc thi sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng.

Năm 2024, dấu mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, gần 3 tháng qua, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã ngày đêm tập luyện vở diễn “Điện Biên vẫy gọi” (chuyển thể từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của PGS, TS Nguyễn Tất Thắng; đạo diễn, NSND Lê Hùng). Ở sân khấu khác, qua góc nhìn của nghệ thuật xiếc, Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện vô cùng sinh động và đầy hào hùng với chương trình đặc biệt mang tên “Sống mãi với Điện Biên” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (kịch bản và đạo diễn: NSND Tống Toàn Thắng) ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ xiếc thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân những người đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước, nỗ lực truyền tải lịch sử qua nghệ thuật.

Làm đậm thêm ký ức về bản anh hùng ca Điện Biên Phủ trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử này có vở diễn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Nhà hát Chèo Quân đội (kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Thúy Mùi) và vở diễn “Mệnh lệnh từ trái tim” của Sân khấu Lệ Ngọc từ kịch bản của tác giả Nguyễn Thanh Bình. Hai vở diễn dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 để mừng kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 8-2024.

NGỌC ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.