Đến triển lãm "Nghệ sĩ là chiến sĩ", người xem chiêm ngưỡng 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác từ năm 1945 đến 1954 của 30 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam. Trong đoàn quân nghệ sĩ-chiến sĩ ấy, có những họa sĩ bậc thầy như: Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Văn Giáo, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Đỗ Cung...

      Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. 

Bên bộ tranh địch vận-một hình thức tuyên truyền góp phần làm dao động tâm lý phía bên kia chiến tuyến của họa sĩ Lương Xuân Nhị, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết: “Họa sĩ Xuân Nhị luôn biết phát huy thế mạnh của mình là lấy cọ vẽ và bảng màu thực hiện tranh địch vận trên mọi mặt trận, từ chống Pháp đến chống Mỹ. “Tiếng nói” của tranh địch vận rất kín đáo nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ để truyền đi thông điệp hòa bình, chống chiến tranh. Đặc biệt, cách họa sĩ thể hiện rất nhân văn, nhẹ nhàng, ngôn từ xúc động, đầy tình cảm chứ không phải là vẽ địch thì xấu mà vẽ ta thì đẹp. Tôi cho rằng đây là giá trị cốt lõi đã được họa sĩ Lương Xuân Nhị cảm nhận và thể hiện để tạo nên sự thành công của tranh địch vận Việt Nam”.

Theo bà Trần Thị Hương, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lựa chọn trưng bày 80 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn 1945-1954 vì đó là giai đoạn giới văn nghệ sĩ chuyển mình thay đổi về nhận thức tư tưởng. Bà Hương nói: “Nếu như trước đó, các họa sĩ thường lấy đề tài mộng mơ, các thiếu nữ thành thị... để sáng tác thì đến giai đoạn này, từ việc tiếp xúc thực tiễn tham gia vào các đoàn quân, rồi Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Văn hóa kháng chiến cũng như thanh niên cứu quốc, dân công rồi bộ đội, du kích... chứng kiến quá trình lao động, sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta, các họa sĩ vẽ bằng những cảm nhận của mình nên những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, cuộc kháng chiến của quân, dân ta giai đoạn đó. Các họa sĩ đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm niềm cảm hứng, đề tài sáng tác”.

Tất cả 80 tác phẩm đều được các nghệ sĩ vẽ trên giấy, đơn sơ với những nét chì, mực hoặc màu nước, bột màu, in. Họ vẽ những xưởng rèn dao găm cho du kích, làm kíp lựu đạn, cảnh kéo bễ lò rèn, dân công sửa chữa cầu đường, bộ đội lội suối, cảnh nông dân tay bừa tay súng, các lớp học bổ túc; là những hình ảnh sinh động, chân thực trong đêm liên hoan chiến thắng, hay khung cảnh xúc động với những gương mặt đồng bào dân tộc thiểu số mang đầy ánh sáng của niềm vui và hy vọng khi được nhìn thấy ảnh Bác Hồ...

“Họ đã vẽ trong điều kiện nghèo nàn về phương tiện, lại gian khổ, hiểm nguy rình rập. Nhưng những tác phẩm để lại đã dựng lên đời sống mới của một thời kỳ lịch sử hào hùng, nhiều đổi thay của dân tộc”, họa sĩ Lê Thiết Cương xúc động nói.

Bài và ảnh: VIỆT LAM