Ông cũng là một trong những nghệ sĩ, nhạc sĩ khởi xướng thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (đặt tại Khu Di tích đình-đền Hào Nam, quận Đống Đa) với nhiều đóng góp đáng kể cho âm nhạc dân tộc Thủ đô.
NSƯT Nguyễn Văn Ty sinh năm 1953, tại Nam Định, miền quê với nhiều chùa cổ và là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu. Hơn nữa, cha của ông là người yêu văn nghệ và cũng là người phụ trách đội chèo của xóm nên ông đã sớm tiếp nhận, mê đắm chầu văn và tiếng đàn nguyệt từ khi còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, ông công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hà Nam Ninh rồi Đoàn Chèo Hà Nam Ninh. Với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, ông rời quê để theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
 |
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Ty.Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Là người tâm huyết, trách nhiệm với chầu văn, ông trăn trở khi nhiều người chưa hiểu đúng về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nghĩ là làm, ông đã tìm mọi cách để lan tỏa chầu văn trong đời sống. Ngoài việc biểu diễn, ông đã xuất bản sách và cho thu băng cát-sét. Ông tự biên soạn bản độc tấu nguyệt Dọc-Cờn-Xá và là người đầu tiên đưa màn hát văn Xá thượng vào đoạn kết chương trình của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ngoài ra, ông đã thống kê được 500 nghệ nhân hát văn trong thế kỷ trước và là một trong những người góp công tổ chức Liên hoan hát văn đầu tiên tại Hà Nội. Đặc biệt, ông còn là người đầu tiên đưa chầu văn vào vở kịch xiếc “Làng tôi” được biểu diễn hơn 1.000 buổi tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp Hồng Hà và biểu diễn hơn 500 buổi ở nước ngoài.
Vào tháng 5-2010, ông cùng Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài biểu diễn chầu văn tới hai giờ trong chương trình phát qua làn sóng radio của Pháp. Với mong muốn giới thiệu đặc trưng của nghệ thuật chầu văn tới thính giả Pháp, ông đã chọn mở đầu bằng bản Văn Công đồng (văn thờ). Bản văn này mang tính tâm linh mẫu mực, hát rất khó, có nhiều trích đoạn hay như: Ông Hoàng Mười, Cô Bơ, Xá thượng... Dù là hát cho đài phát thanh nhưng các nghệ sĩ vẫn phải tái hiện đúng tinh thần của một buổi hát văn xưa kia, tức là trang điểm, phục trang, đạo cụ và múa hát minh họa đều có đầy đủ.
Dịp tháng 8 này, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bước vào tuổi 17 đầy sung sức và sáng tạo. Trên chặng đường ấy, NSƯT Văn Ty và một số đồng nghiệp đã giúp chầu văn, tín ngưỡng thờ Mẫu có chỗ đứng vững vàng trong lòng công chúng và giữ được nếp biểu diễn vào các tối thứ bảy tại tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân. Trung tâm cũng đang góp phần đào tạo nhiều học viên có năng lực trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khi kết hợp với Học viện Âm nhạc Huế đào tạo được hơn 20 cử nhân, 4 thạc sĩ.
Tuy nhiên, sự phát triển của chầu văn tại Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung hiện nay vẫn còn có nhiều điều đáng bàn. NSƯT Văn Ty trăn trở: “Hiện nay, hát chầu văn có nhiều biến tấu khiến ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước kia, cung văn không chỉ biết hát mà còn biết viết sớ, biết chữ Hán Nôm, biết cúng bái... Họ như người đại diện cho văn hóa của cả vùng. Giá trị của các cung văn được thể hiện qua việc tham gia cuộc thi hát giữa các đền, nhưng nay, nhiều cung văn chỉ biết chạy theo đồng tiền mà không hiểu thực sự ý nghĩa, vai trò của hát văn”.
NGÔ KHIÊM