Tại cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020, chúng tôi rất ấn tượng khi xem bộ ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển” đoạt giải nhì thể loại ảnh hiện thực. Tác giả bộ ảnh chính là NSNA Trần Bảo Hòa.

Ảnh về nghề biển, ngư dân giăng lưới chụp từ flycam rất nhiều. Xem ảnh nào cũng mang lại cảm nhận chung chung về sự bao la biển khơi, con người bé nhỏ trước thiên nhiên. Bộ ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển” cho người xem thấy nhiều xúc cảm hơn. Đó là vẻ đẹp công việc lao động; chuyển tải được sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên; truyền tải thông điệp khi bảo vệ thiên nhiên, con người sẽ được đền đáp bằng những sản vật của tạo hóa.

 Một tác phẩm trong bộ ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển”.Ảnh: TRẦN BẢO HÒA

NSNA Trần Bảo Hòa cho biết ý định ban đầu của anh là đi chụp rong mơ ở xã đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Nào ngờ, anh phát hiện người dân ở đây có nghề nuôi mực trong lồng bè. Lăn lộn một tháng trời, được ngư dân giúp đỡ nhiệt tình, anh đã sáng tác bộ ảnh để đời. Hóa ra những rặng rong mơ là môi trường sinh tồn của mực, ngư dân bắt mực giống tự nhiên về nuôi tại lồng bè, bắt cá sống làm thức ăn cho mực. Công việc nuôi mực phải rất tỉ mỉ, không làm tổn hại đến rong mơ, giữ gìn môi trường luôn trong sạch để mực sinh trưởng tốt. Ý nghĩa bộ ảnh vì thế vượt lên câu chuyện kể về nghề nuôi mực.

Anh cho rằng mình gặp may, vì chưa đồng nghiệp nào chụp ảnh về đề tài này. Đề tài "độc lạ" trong nhiếp ảnh ngày càng ít vì nhiều người chụp quá! Bản thân anh tự mày mò chụp ảnh, mang ảnh đi thi, đủ điểm trở thành hội viên Hội NSNA Việt Nam khi mới 28 tuổi. Giờ đây, nhiều người trẻ hơn anh, cũng không học hành qua trường lớp mà chụp rất tốt. Chính vì sự cạnh tranh trong nhiếp ảnh ngày càng khắc nghiệt nên anh cho rằng quan trọng là phải tìm hiểu tác phẩm đồng nghiệp, cố gắng tìm đề tài, cách thể hiện khác. Theo anh, mỗi NSNA có con đường đi riêng, với anh quan trọng là cách thể hiện làm sao để tác phẩm phải có thông điệp, xúc cảm mới tạo nên thương hiệu làm nghề.

Bàn đến câu chuyện thiết bị phục vụ làm nghề, NSNA Trần Bảo Hòa kể rằng ban đầu anh cũng chụp ảnh bằng các thiết bị “đời thấp”, dần dần tích lũy mới “lên đời” máy ảnh, máy tính xử lý ảnh. Thiết bị phục vụ nghề nhiếp ảnh rất đắt tiền, càng đắt tiền thì phục vụ càng đắc lực cho người nghệ sĩ. Nhưng quan trọng là người nghệ sĩ phải có con mắt, tâm hồn tinh tế, đưa vào tác phẩm chiều sâu hiện thực. 

Hiện nay, NSNA Trần Bảo Hòa sinh sống ở TP Quy Nhơn, ngoài nghề chụp ảnh, anh còn kinh doanh cà phê. Hỏi anh chuyện tế nhị về thu nhập nhiếp ảnh có đủ sống? Anh cho biết nếu chỉ làm nghề nhiếp ảnh thì cũng tạm đủ, tác phẩm của anh thường được đơn vị làm lịch, nhãn hàng đặt mua theo nhiều hình thức, có nơi mua sử dụng độc quyền nên giá trị khá cao.

Hỏi về dự định tương lai sau khi đã gặt hái khá nhiều giải thưởng uy tín trong nước, liệu anh đã sẵn sàng thử sức ở những cuộc thi, giải thưởng nhiếp ảnh uy tín thế giới? NSNA Trần Bảo Hòa cho biết, anh đã nghiên cứu những tác phẩm đoạt giải các cuộc thi nhiếp ảnh lớn trên thế giới và tự nhận bản thân mình chưa đủ tầm vươn xa. Tuy vậy, anh sẽ nỗ lực dấn thân sáng tạo nhiều hơn nữa để hy vọng một ngày nào đó chụp được những tác phẩm ảnh ưng ý, ấn tượng thì chủ động tham dự "sân chơi" nhiếp ảnh ở khu vực và quốc tế. 

Năm nay mới 35 tuổi, một sự nghiệp nhiếp ảnh vẫn đang chờ đợi NSNA Trần Bảo Hòa ở phía trước. Công chúng có thể đặt niềm tin vào những NSNA có tâm, có tầm như Trần Bảo Hòa sẽ sớm có những tác phẩm lớn, mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tỏa sáng trên “bản đồ” nhiếp ảnh thế giới.

VÂN HÀ