Những vụ ồn ào nói xấu, dựng chuyện, chê bai nhau… thậm chí còn bịa đặt nghệ sĩ, diễn viên nọ kia bệnh nặng, đột tử hoặc qua đời vẫn liên tiếp xuất hiện trên các trang tin “lá cải”, mạng xã hội, khiến hình ảnh văn nghệ sĩ trở nên xấu xí, tiêu cực trong mắt công chúng; hoặc làm nên những “làn sóng” dò la tin tức, rằng có đích thực diễn viên đó bệnh nặng, đột tử… hay không, để lại tiếp tục đưa lên mạng những “trích ngang” về cuộc đời của họ.
 |
Hình ảnh trong vở kịch "Bệnh sĩ" lên án những thói hư, tật xấu. |
Nghệ sĩ, diễn viên là những người trong cuộc, khán giả cũng bày tỏ sự thất vọng khi tình trạng ứng xử kém, đạo đức lệch chuẩn trong làng nghệ thuật, giải trí; lạm dụng tên tuổi của những người nổi tiếng để “câu view”, “câu like”, “xây kênh”, nhiều người dùng mạng xã hội sẵn sàng săn lùng những tin tức giật gân, cho thấy sự méo mó trong nhận thức của một bộ phận người dùng mạng.
NSƯT Chí Trung
Tôi là nạn nhân của truyền thông “bẩn”. Không chỉ các trang mạng xã hội, mà rất nhiều báo “lá cải” đưa tin về gia đình tôi, cuộc sống của tôi không đúng sự thật, nhưng nhiều người vẫn lao vào đọc.
Họ giật tít câu view, ảnh hưởng tới nhân cách, suy nghĩ của tôi. Từ đó, nhiều người hiểu sai về hoàn cảnh, công việc, tính cách, mọi thứ về tôi.
 |
Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung.
|
Ngay tháng 12 vừa qua, mạng xã hội lan truyền tôi bệnh nặng và đang nguy kịch, đồng thời kêu gọi mọi người cầu nguyện cho tôi. Không thể tin nổi, tại sao họ lại ác ý như vậy, mang sức khỏe, tính mạng của người khác ra để làm trò đùa. Tôi đang bận vì khỏe quá chứ nguy kịch gì đâu. Tôi đang quay hình đây, đang ngày đêm tập "Táo Quân 2025" đây. Toàn tin đồn độc miệng.
Có rất nhiều kẻ mạo danh tôi với mục đích lừa đảo trên Facebook. Phiền các bạn báo cáo hộ nhé. Tôi chỉ có trang cá nhân “Phạm Chí Trung” và Fanpage “Nghệ sĩ Chí Trung” đã có tích xanh (hình ảnh trong bài). Cảm ơn các bạn!.
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
 |
NSND Vương Duy Biên. |
Nên đặt ra một cái “barie” theo mức độ vi phạm, lần một nhắc nhở, lần hai cảnh cáo, lần ba là cấm sóng, thì mới giảm được những việc "ồn ào" như thời gian qua.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản quản lý, có những quy định phạt, nhưng địa phương cũng phải chung tay, làm nghiêm túc trong việc cấp giấy phép biểu diễn.
Nếu nghệ sĩ từng bị phản ứng, thì có thể xem xét việc có nên cấp phép biểu diễn nữa hay không.
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội
 |
NSND Nguyễn Trung Hiếu. |
Càng có danh hiệu, càng là nghệ sĩ lớn, thì càng phải ý thức được nghề nghiệp của mình, để các em trẻ nhìn vào.
Tôi chưa bao giờ vỗ ngực mình là NSND. Mỗi khi ra biểu diễn, tôi vẫn hồi hộp như những ngày đầu. Vì thế, chúng tôi đều tự bảo nhau để không bị nhắc nhở, không phát ngôn lung tung trên mạng xã hội, không nhận quảng cáo tràn lan.
Nếu trường hợp nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát cố tình, hoặc vô tình mắc phải những việc phát ngôn không chuẩn mực, sẽ có hình thức xử phạt tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ; nhất là trong công tác bình xét cuối năm.
Tiến sĩ Mỹ học Nguyễn Thế Hùng
Nghệ sĩ có tài, nổi tiếng sẽ luôn là hình mẫu để công chúng hướng vào, theo dõi và có thể là học theo.
Vì thế, đã là nghệ sĩ thì cần thiết phải sống đẹp, phát ngôn đẹp, hành động đẹp, ứng xử đẹp. Sứ mệnh của nghệ thuật, nghệ sĩ là hướng người hâm mộ, người dân tới giá trị chân-thiện-mỹ, chứ không phải tận dụng danh hiệu, sự yêu mến của công chúng để hạ bệ, bịa đặt, làm xấu đồng nghiệp và xấu cả chính mình trong mắt công chúng.
 |
Tiến sĩ Mỹ học Nguyễn Thế Hùng. |
Trường hợp một ca sĩ đi biểu diễn ở nước ngoài, rồi tự “ăn vạ” để lấp liếm đi hành động lố lăng, sai trái của mình, đang bị ngay chính người bạn thân từng ủng hộ, tin tưởng, giúp đỡ, phải bất lực và đang lên những kế hoạch đáp trả theo đúng pháp luật.
Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, nếu không ứng xử văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhất là trên không gian mạng, thì ngay bản thân nếu có những phát ngôn không chuẩn mực, hành động sai trái, thì trước hay sau cũng sẽ bị vạch trần, tẩy chay.
Chúng ta có hệ thống báo chí truyền thông chính thống, chuẩn mực, có pháp luật, với những quy định xử phạt chặt chẽ. Các nghệ sĩ hoàn toàn có thể nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan báo chí hoặc luật pháp khi vướng vào những tin đồn thất thiệt, làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), đối với các trường hợp vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội, như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt lên đến 30 triệu đồng.
Trường hợp nghiêm trọng, các hành vi nêu trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vu khống, theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Mức phạt tối đa đối với hành vi này có thể lên đến 7 năm tù, cùng với các hình phạt bổ sung khác, như phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm dẫn đến thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, thì cá nhân, tổ chức ấy có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về mặt dân sự, theo quy định của Bộ luật Dân sự.
|
HÀ ANH (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.