Ngày thơ bé, khác với bạn cùng trang lứa chơi đánh khăng, bắn bi, Trần Văn Hợi thích lấy đất sét để nặn ra những hình thù ngộ nghĩnh. Lớn hơn một chút, cậu bé say mê ngắm những hoa văn, họa tiết trên bình, lọ, đồ thờ để từ đó nung nấu ước mơ trở thành người thợ gốm. Phải đến khi học xong trung học phổ thông, anh Hợi mới đi học gốm từ các nghệ nhân ở nhiều làng nghề gốm truyền thống, tìm hiểu các phong cách làm gốm khác nhau. Anh học thêm mỹ thuật để có kiến thức về hội họa, điêu khắc, tạo hình. Hơn 10 năm rong ruổi học nghề, khi đã đủ tự tin, anh mới mở xưởng gốm.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Trần Văn Hợi dạy các em nhỏ trải nghiệm làm gốm thủ công. 

 Vạn sự khởi đầu nan, anh từng nuốt nghẹn khi nhìn những mẻ gốm ban đầu ra lò bị hỏng. Đất nung quá lửa bị biến dạng thì chỉ bỏ đi chứ không có cách nào tái chế được. Làm gốm cần lắm lòng kiên trì. Hỏng mẻ này, anh làm lại mẻ khác. Cứ thế rút kinh nghiệm, những sản phẩm đã hoàn chỉnh lên men theo ý muốn. Anh Hợi tâm sự: “Làm bạn với đất phải nhẫn nại. Ai cũng bảo hiền như đất, ấy thế nhưng khi tạo tác thì không hề đơn giản, nếu không cao tay chưa chắc đã “trị” được. Mọi công đoạn phải làm hết sức kỹ lưỡng, từ khâu chọn đất đến quá trình xử lý để đất lên men đẹp là cả một quá trình tính toán chi li, cẩn thận”.

Yêu gốm, anh tìm lối đi riêng cho mình. Trong khi nhiều xưởng làm gốm công nghiệp sản xuất hàng loạt phục vụ thị trường thì anh lại chọn làm gốm đơn chiếc. Mỗi sản phẩm được ví như một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng của người thợ. Toàn bộ quy trình xử lý đất, tạo hình, tráng men, nung lò đều làm thủ công mất rất nhiều thời gian, công sức. Chính điều đó tạo nên dấu ấn riêng của người tạo tác. Đặc biệt, anh Hợi quan tâm đến dòng gốm tâm linh. Đó là những hiện vật thờ tự cần tuân theo những tiêu chuẩn nhất định, phù hợp với truyền thống văn hóa và các yếu tố phong thủy. Nghệ nhân Trần Văn Hợi chia sẻ: “Làm đồ thờ không chỉ nhuần nhuyễn về kỹ thuật mà đòi hỏi phải có cái tâm truyền vào trong đó. Mỗi sản phẩm được gia chủ nâng niu, trân trọng dâng lên ban thờ, mình cảm thấy rất vinh dự, xúc động”.

Nặng lòng với gốm Bát Tràng, anh còn dồn tâm sức để phục chế nhiều sản phẩm gốm cổ như chiếc thạp đời nhà Trần, chân đèn thời nhà Mạc. Sản phẩm đầu rồng thời Lý được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng để trưng bày tại thủ đô Dubai (Tiểu vương quốc Dubai). Anh cũng tham gia phục dựng nhiều tượng Phật, cổ vật tại các khu di tích lịch sử, bảo tàng.

Khi đôi bàn tay nghệ nhân có thể “phù phép” trên đất để làm ra những sản phẩm gốm tinh xảo, anh Hợi tự tin nhận dạy nghề cho thợ trẻ, rồi truyền tình yêu gốm của mình qua việc dạy học sinh trải nghiệm làm gốm. Năm 2022, anh Trần Văn Hợi được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam trao chứng nhận Nghệ nhân quốc gia. Đó cũng là sự nghi nhận của đồng nghiệp đối với người thợ dành trọn tâm huyết, tài năng cho gốm.

Bài và ảnh: DU CĂN 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.